baovecuongthinh.com

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

80% bệnh nhân ung thư bàng quang có biểu hiện này

Theo TS.BS Đỗ Anh Tú, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong các ung thư đường tiết niệu.

Bệnh thường mắc ở độ tuổi 60-70, khoảng 75% trên 65 tuổi, hiếm gặp ở tuổi dưới 40, nam cao hơn nữ (gấp khoảng 3 lần).

Điều trị ung thư bàng quang giai đoạn sớm chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ u hoặc cắt bàng quang. Điều trị bổ trợ bao gồm bơm thuốc nội bàng quang, hóa chất toàn thân, xạ trị tùy thuộc giai đoạn. Ung thư bàng quang giai đoạn tiến triển, điều trị chủ yếu là kiểm soát các dấu hiệu chèn ép tại vùng và hóa chất triệu chứng, BS Tú cho biết.


Người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao gấp 4 lần người không hút. Ngoài ra, những tác nhân gây ung thư như hóa chất amin thơm có trong các nghề nghiệp liên quan như hóa chất, thuộc da, sơn, nhuộm… khiến những người làm nghề cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Triệu chứng lâm sàng

- Tiểu máu không đau xuất hiện ở khoảng 80% các trường hợp

- Triệu chứng kích thích đường tiết niệu: tiểu rắt, tiểu bí…

- Đau bụng, sờ thấy khối vùng hạ vị

- Phù chi dưới

- Các triệu chứng toàn thân như gầy sút, xanh, nhợt…

- Các triệu chứng của di căn xa: đau xương, ho…

Siêu âm là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, rẻ tiền và hiệu quả phát hiện các tổn thương ở bàng quang; nhưng cần lưu ý là phải nhịn đi tiểu cho bàng quang căng lên.

Tuy vậy, siêu âm vẫn chưa phải là chẩn đoán quyết định u bàng quang, mà phải thông qua nội soi bàng quang chẩn đoán. Đây là thủ thuật đặt máy nội soi qua niệu đạo, có thể gây đau, khó chịu, xước niệu đạo hoặc có nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Do vậy, chỉ khi siêu âm có u bàng quang hoặc nghi ngờ u, thì người bệnh mới được chỉ định nội soi bàng quang chẩn đoán quyết định.

Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính cũng có vai trò quan trọng trong chẩn đoán ung thư bàng quang vì có thể đánh giá được sự xâm lấn của khối u ra ngoài bàng quang, di căn hạch của ung thư bàng quang…

Phòng ngừa ung thư bàng quang

- Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.

- Làm việc trong môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động.

- Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.

- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố.

- Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa…

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.

Ung thư bàng quang là bệnh lý ác tính của cơ quan tiết niệu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, hay gặp ở nam hơn ở nữ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao có thể phòng ngừa được bằng cách bỏ thuốc lá. Có thể phát hiện sớm bằng những phương tiện chẩn đoán phổ biến hiện nay như siêu âm, chụp CT-Scan, nội soi bàng quang chẩn đoán. Tỷ lệ khỏi bệnh cao khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.

Hà An 

Dantri.com.vn