baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Chủ tịch UBND TPHCM: Nếu 2 triệu HS đi học trở lại, rất khó đảm bảo an toàn


Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ trước đề xuất đi học theo lộ trình của Sở GD&ĐT TPHCM tại cuộc họp với ban Ban chỉ đạo và Tổ thư ký Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chiều tối ngày 25/2.

Đi học theo đợt để dự phòng kịch bản ứng phó

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, thành phố có gần trên 1,7 triệu học sinh, chưa kể trên 78.000 trẻ tại các nhóm lớp độc lập tư thục, và khoảng 400.00 sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn.


Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất học sinh khối 9, 12 sẽ đi học trở lại vào ngày 2/3, học một buổi, không bán trú (Ảnh minh họa)

Hiện nay, thời gian thi THPT quốc gia đã được chốt nên không thể tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh khối 12. Sở đã thực hiện giải pháp tổ chức ôn tập phát sóng qua truyền hình cho học sinh khối 9, 12, rồi việc học trực tuyến, nhưng đây chỉ là giải pháp ôn tập tạm thời, không tổ chức được đại trà, không thay thế được việc học trên lớp.

Sở kiến nghị học sinh thành phố sẽ không nhập học trở lại đồng loạt mà học sinh hai khối 9, 12 sẽ đi học trước, học một buổi, không tổ chức bán trú.

Điều này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm trong nhà trường cũng như dự phòng kịch bản có thể ứng phó với thực tế về phòng chống dịch bệnh. Phụ huynh học sinh cũng yên tâm hơn.

Toàn thành phố có trên 170.000 học sinh khối 9 và 12 và khoảng 8.000 giáo viên của hai khối này.

Cụ thể, với bậc THCS và THPT, Sở GD&ĐT TPHCM đề nghị học sinh khối 9 và 12 đi học lại từ ngày 2/3 nhưng không tổ chức bán trú, chỉ học một buổi/ngày. Ngày 16/3, học sinh các khối khác của bậc THCS và THPT đi học trở lại bình thường.

Bậc tiểu học, ngày 16/3, học sinh lớp 5 đi học lại nhưng không tổ chức bán trú, chỉ tổ chức một buổi, thời gian đi học lại của các lớp khác tùy thuộc vào tình dịch bệnh và sẽ có thông báo sau.

Ở bậc mầm non, ngày 16/3 trẻ lớp Lá đi học lại nhưng không tổ chức ăn sáng, đầu giờ các cô nhận trẻ, kiểm tra sức khỏe, các lớp khác sẽ có thông báo sau.

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các trung tâm kỹ năng sống... bắt đầu đi học lại ngày 16/3. Các trường CĐ, ĐH trên địa bàn thành phố thì thực hiện theo cơ chế tự chủ.

Đây là phương án dự phòng

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, hiện Chính phủ vẫn chưa chốt ngày đi học lại. Phương án mà Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị cũng là để thành phố không bị động khi có quyết định cuối cùng. Nếu Chính phủ quyết định đi học lại hay nghỉ tháng 3, thành phố đều đã có phương án trong các tình huống khác nhau, không bị động.


Việc đáp ứng nhu cầu khẩu trang ở mức tối thiểu cho học sinh tại TPHCM đến trường là bất khả thi.

Về việc tại sao TPHCM lại đề xuất với Chính phủ về việc cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 mà rất nhiều người thắc mắc, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, với 2.000 trường học, quy mô mỗi trường 1.000 - 2.000 học sinh, nếu tất cả học sinh đi học thì cần ít nhất là 3 triệu khẩu trang, đó là chỉ mới đáp ứng cho học sinh thôi, khả năng cung cấp là bất khả thi.

Về mặt Y tế, ông Phong thông tin, tổng số giường bệnh cách ly cho người nhiễm và nghi nhiễm của thành phố khoảng 900 giường bệnh, khả năng, điều kiện của chúng ta có thể chủ động điều trị cao nhiều nhất chỉ 1.000 người. Chưa kể, mỗi bệnh nhân nhiễm Covid-19 cần 12 bác sĩ, điều dưỡng tham gia điều trị, nếu có 1.000 người bệnh thôi, thành phố không thể tìm ra đâu 12.000 y bác sĩ tham việc điều trị. Vượt qua con số này, thành phố sẽ "vỡ trận".


TPHCM cho rằng, hai triệu học sinh đi học sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ không an toàn

Chủ tịch UBND TPHCM cũng bày tỏ chúng ta không thể lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19. TPHCM có dân số và mật độ dân cư cao, đồng thời có số lượng người lao động nước ngoài nhiều, phần lớn là từ các nước có dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... nên nguy cơ rất cao.

"Nếu gần 2 triệu học sinh đi học lại sẽ có nhiều nguy cơ khi các em cùng học tập, sinh hoạt, khi đó thành phố không thể đảm bảo an toàn", ông Phong nói.

Hoài Nam  

Dantri.com.vn