baovecuongthinh.com

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

Cục Thú y: 'Dịch tả lợn lan rộng do người dân giết mổ lợn bệnh'

 

Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam
Chiều 14/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triệu tập cuộc họp khẩn với 17 tỉnh, thành có dịch tả lợn châu Phi để bàn giải pháp ngăn chặn.

Theo Cục Thú y, đến nay tổng số lợn tiêu hủy là hơn 23.000 con và dịch chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt, chưa xuất hiện tại các trang trại quy mô lớn. Cục nhận định, nguy cơ dịch tiếp tục lan rộng là rất cao.

Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cảnh báo nguy cơ dịch lây lan ra ba khu vực trọng điểm. Đầu tiên, ở đồng bằng sông Hồng, nếu phòng chống dịch không tốt sẽ lan sang các địa phương chưa có lợn nhiễm virus. Với miền núi phía Bắc, đây là vùng có địa hình phức tạp, dịch sẽ "kéo dài âm ỉ". Còn các tỉnh phía Nam có nhiều sông, nước, giao thương tấp nập, chỉ một tỉnh có dịch cũng sẽ lây lan.

"Nếu đúng như tình hình dự báo, 3 vùng trọng điểm này bị dịch thì thiệt hại vô cùng lớn, đe dọa một thời gian dài mới khôi phục được ngành chăn nuôi heo", ông Cường nói.


Lực lượng chức năng Hà Nội diễn tập ứng phó dịch tả lợn Châu Phi ngày 7/3. Ảnh: Ngọc Thành.

Về nguyên nhân dịch lây lan, Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông nói kết quả điều tra bước đầu xác định nguyên nhân chính là một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh.

Virus dịch tả lợn châu Phi tồn tại lâu trong lợn bệnh, sản phẩm từ thịt lợn bệnh, trong môi trường và dụng cụ chăn nuôi. Trong khi đó, các cơ sở nhỏ lẻ có mật độ chăn nuôi cao, hộ chăn nuôi lợn đan xen trong khu dân cư không thường xuyên thực hiện biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch lây lan nhanh.

Ngoài ra, virus có thể lây lan từ khu vực nhiễm dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển và con người.

"Qua điều tra 44 ổ dịch cho thấy nguyên nhân lây lan do vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn bệnh, lợn chết chiếm 36%; 25% do con người và phương tiện vận chuyển chưa đảm bảo yêu cầu sát trùng; 39% do sử dụng thức ăn dư thừa trong chăn nuôi chưa qua xử lý nhiệt ở các nhà hàng, khách sạn", ông Đông nói và cho biết các nguyên nhân đó cũng tương tự ở Trung Quốc, Ba Lan.

Trước công bố của Cục Thú y, đại diện nhiều tỉnh cho rằng ổ dịch tại địa phương không nằm trong các nguyên nhân nêu trên. Bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho hay, ổ dịch trên địa bàn chỉ có một con lợn nặng 95 kg bị bệnh, nó được người dân nuôi 9 tháng bằng thức ăn tự cung tự cấp. Ổ dịch nằm ở huyện miền núi, cách quốc lộ khoảng 3 km, đường vào là lối mòn xe máy nên dịch khó lây lan đến với các nguyên nhân như Cục đưa ra.

Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi chủ yếu là rắc vôi bột, phun thuốc tẩy độc. Ảnh: Ngọc Thành.
Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên biện pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi chủ yếu là rắc vôi bột, phun thuốc tẩy độc. Ảnh: Ngọc Thành.

Cũng giống như Bắc Kạn, ổ dịch tại Điện Biên được phát hiện ở những bản làng vùng sâu, cách đường lớn hơn chục km. Đây là địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc, ít giao lưu với bên ngoài nên khi có dịch "tỉnh chưa thể xác định nguyên nhân lây lan do đâu".

"Bà con có tập quán khi có lợn ốm, chết thì gọi điện cho họ hàng đến mổ thịt ăn và gói chia nhau mang về. Chúng tôi nghĩ đây có thể là một trong những hướng lây lan", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến phán đoán.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến thì "không biết phải trả lời thế nào" khi Bí thư Tỉnh uỷ hỏi nguyên nhân dịch.

Về việc dùng ngân sách dự phòng để ứng phó dịch, các địa phương cho hay hàng trăm tỷ đồng đã được ngân sách chi trả. Là một trong bốn tỉnh đầu tiên ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền nói, tỉnh đã chi 7 tỷ đồng với tinh thần "cứ một hộ có heo bệnh là chúng tôi phun thuốc, rắc vôi cả xã".

Lãnh đạo Hải Dương cho hay, ngoài chi phí để khống chế, ngăn chặn tại các ổ dịch, tỉnh đã chi 10 tỷ đồng mua thuốc tiêu trùng, khử độc cấp cho các địa phương chưa bị dịch để phòng ngừa lây lan.

Ông Nguyễn Đình Chuyến - Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói thành phố đã chi hơn 60 tỷ đồng, trong đó 30 tỷ đồng để mua dụng cụ, hóa chất, còn lại chi cho các lực lượng tham gia chống dịch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, dù các tỉnh thành đã chủ động, quyết liệt phòng chống nhưng dịch vẫn lây lan nên trong thời gian tới "cần nỗ lực nhiều hơn nữa".

Ông cũng cho rằng không chỉ có các nguyên nhân lây lan dịch như Cục Thú y nêu. "Cục cần sớm xác định nguyên nhân chính thức khiến dịch tả lợn châu Phi lan rộng. Đây là vấn đề rất quan trọng, biết nguyên nhân lây lan thì các giải pháp đề ra sẽ hiệu quả hơn", ông Cường nói.


Những con đường lây lan dịch tả lợn châu Phi. Đồ họa: EFSA

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết lên đến 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Tại Việt Nam ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Hưng Yên ngày 1/2. Đến ngày 11/3, dịch lan ra 17 tỉnh, thành gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Điện Biên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An.

Võ Hải theo Vnexpress