baovecuongthinh.com

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

Hiểu được 3 câu chuyện này, bạn sẽ bớt được 10 năm đường vòng trên con đường phát triển sự nghiệp


01
Có một người đàn ông nghèo, bởi vì ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, anh ta đã khóc nức nở trước mặt Thượng Đế, bày tỏ nỗi khó khăn, than rằng ngày ngày làm việc vất vả mệt nhọc nhưng cũng chỉ kiếm được vài đồng bạc. Anh ta oán trách: "Xã hội này quá bất công, tại sao người giàu có ngày ngày nhàn nhã tự tại còn người nghèo thì chịu đựng đau đớn, khổ cực mỗi ngày?".

Thượng Đế mới mỉm cười và hỏi anh ta rằng: "Thế nào con mới cảm thấy công bằng?" Người nghèo vội vàng nói: "Khiến người giàu trở nên nghèo giống như con, họ cũng làm công việc tương tự như con. Nếu người giàu cuối cùng vẫn trở thành người giàu có thì con sẽ không phàn nàn nữa."

Thượng Đế gật đầu "Được rồi!". Nói xong Thượng Đế biến người giàu và người nghèo đều trở nên nghèo khó. Sau đó, yêu cầu họ mỗi ngày phải vào núi đào than để bán lấy tiền mua thức ăn. Thời gian thử thách sẽ kéo dài một tháng.

Người nghèo và người giàu cũng nhau khai quật ngọn núi.

Người nghèo theo thói quen thông thường làm việc chăm chỉ, bởi việc đào than đối với anh ta chỉ là chuyện nhỏ. Chẳng mấy chốc anh ta đã đào được một xe than, mang ra thị trường và bán lấy tiền. Số tiền kiếm được anh ta dùng toàn bộ để đi mua đồ ăn ngon và mang về nhà cho vợ con.

Người giàu đã lâu không phải làm công việc nặng nề, vất vả, nên chỉ đào một lúc là nghỉ. Mãi tới tận tối, người giàu mới đào được một xe và mang xe đó mang ra ngoài bán lấy tiền. Một phần tiền, anh ta trích ra mua một vài chiếc cuốc cứng hơn, phần tiền còn lại cất giữ cẩn thận.

Ngày hôm sau, người nghèo dậy sớm bắt đầu công việc đào than, người giàu lại đi dạo ở chợ. Chẳng bao lâu sau người giàu mang về hai người nghèo khác, hai người nghèo này to cao vạm vỡ, họ chẳng nói chẳng rằng bắt đầu công việc đào than, người giàu chỉ đứng bên cạnh và quan sát bọn họ.

Chỉ trong một buổi sáng, người giàu đã ra lệnh cho hai người nghèo kia đào được 5 xe than, người giàu lại mang số than đó đi bán và thuê thêm hai người khỏe mạnh khác, cho đến một ngày, ngoài việc tìm việc làm cho người nghèo, số tiền còn lại của người giàu còn nhiều gấp vài lần so với người nghèo.

Một tháng sắp trôi qua, người nghèo chỉ đào được một góc của ngọn núi, tiền kiếm được mỗi ngày đều chỉ dùng để mua đồ ăn thức uống ngon, cơ bản không có khoản dư. Còn người giàu thì ra lệnh cho công nhân đào bới gần hết ngọn đồi, kiếm được không ít tiền, anh ta dùng tiền để đầu tư và giao dịch, chẳng bao lâu sau trở thành người giàu có.


Kết quả không cần nói cũng biết, người nghèo không còn phàn nàn nữa.

Bài học rút ra: Thành công không phải là bạn có thể làm được bao nhiêu việc mà là bạn có thể dùng bao nhiêu sức lực của mọi người để làm được bao nhiêu việc. Hãy học cách mượn sức mạnh đi! Tận dụng sức mạnh của người khác, mượn sức mạnh của các công cụ, mượn sức mạnh của nền tảng và mượn sức mạnh của hệ thống! Từ đó, bạn sẽ thấy được điểm đòn bẩy, để có thể làm rung chuyển cả thế giới.


02
Một con lừa bị rơi vào một cái hố rất sâu và bị bỏ rơi. Chủ nhân của nó cũng thật nhẫn tâm không cứu nó lên, chỉ lặng đi qua và nhìn. Hàng ngày còn có những người đổ rác vào cái hố đó. Lừa rất giận dữ, và nghĩ người chủ này quá sức bội bạc.

Thế nhưng đến một ngày lừa quyết định thay đổi thái độ của nó đối với cuộc sống. Nó đạp rác xuống chân để không phải chịu cảnh rác đổ lên người. Thậm chí nó còn tìm những thứ vụn vặt có dinh dưỡng từ rác để duy trì thể lực và sự sống. Cuối cùng ngày ấy cũng đến, rác trở thành bước đệm để đưa lừa lên trên mặt đất.

Bài học rút ra: Cuộc sống này có những lúc như một mớ hỗn độn. Nhưng, bạn đừng vội phàn nàn về sự thất vọng, chán nản. Đừng than vãn về người đàn ông của bạn nghèo, đừng chê trách người phụ nữ của bạn xấu, đừng kêu ca rằng bạn không có người cha tốt, đừng trách cứ rằng công việc của bạn kém, lương thấp, đừng phàn nàn rằng bạn trống rỗng và còi cọc, không ai đánh giá cao bạn.

Trong thực tế có quá nhiều việc không được như ý muốn, ngay cả khi cuộc sống nói chung, công việc nói riêng mang lại cho bạn toàn rác bạn cũng phải đặt rác ở dưới chân để leo lên đỉnh của thế giới này. Thế giới này chỉ quan tâm bạn đang đứng ở độ cao nào, không quan tâm rằng bạn leo lên vai người khác hay là leo lên rác để vươn lên cao. Thực sự mà nói những người bước lên từ rác xứng đáng được tôn trọng và hoan nghênh.


03
Có một bộ phim truyền cảm hứng của Nhật Bản mang tên: "Cuộc tình trăm Yên" (100 Yen love). Nhân vật nữ chính là một phụ nữ độc thân 32 tuổi, cuộc sống của cô là những chuỗi ngày suy đồi, lụn bại. Ở nhà cô dựa dẫm vào cha mẹ, mỗi ngày chơi game để sống qua ngày. Cô không có mục tiêu, cũng không hề có chút tự giác kỷ luật nào. Giống như giới trẻ hiện nay thường nói: "Nỗ lực không nhất định thành công, nhưng không nỗ lực sẽ buông thả chính mình".

Nhưng vì tìm kiếm tình yêu, nhân vật nữ chính đã cải biến bản thân một cách triệt để. Cô gia nhập câu lạc bộ quyền anh, mỗi ngày luyện tập đến mức mồ hôi vã ra như tắm. Không chỉ kiên trì luyện tập, cô còn quyết tâm bỏ rượu bỏ thuốc lá, ngay cả đồ uống cũng chuyển từ Cola sang nước khoáng.

Vì hạn chế tuổi tác, cô chỉ có duy nhất một cơ hội đại diện cho câu lạc bộ tham gia thi đấu quyền Anh chuyên nghiệp. Vì điều đó, cô đã nỗ lực với tất cả khả năng của mình, chỉ trong vài tháng hình ảnh cô đã tỏa sáng khắp sàn boxing.

Dù không đạt được kết quả như mong đợi, nhưng cô đã dựa vào tự giác kỷ luật mà trưởng thành. Mặc dù vậy, kết thúc của bộ phim không phải là "happy ending". Nhân vật nữ chính đã bị loại ở vòng đầu, bị đánh đến độ mặt mày tím tái, máu chảy đầy miệng, bầm dập khắp thân. Dù thất bại ở cuộc tranh tài, nhưng kể từ thời điểm đó cô đã triệt để thoát khỏi cuộc sống buông thả trong quá khứ của mình.

Quả thực, tự giác kỷ luật đã giúp cô có được tôn nghiêm, không còn tự ti chán ghét bản thân như trước, cuộc đời từ đó không còn buông thả suy đồi. Tự giác kỷ luật có thể không mang đến thành công, nhưng chắc chắn sẽ khiến bản thân ngày càng có giá trị.

Trong công việc cũng như trong cuộc sống, chỉ khi bạn đặt mục tiêu rõ ràng, chủ động loại bỏ những thói quen xấu cố hữu, nỗ lực thay đổi bản thân bằng khổ ải kỷ luật, bạn mới mong thành công. Có những lúc bạn chán nản về công việc: sếp la mắng, làm việc lâu nhưng không được tăng lương, thăng chức... nhưng thay vì cố gắng, bạn uể oải làm việc đối phó, ngày ngày chấm công, cuối tháng nhận lương, nghĩa là bạn đã tự hủy diệt tương lai của mình. Hãy gò bản thân vào một thói quen mới, mở rộng kiến thức, phát triển kỹ năng... để trở nên nổi bật và ưu tú. Chắc chắn, sự nổi bật của bạn sẽ lọt vào mắt xanh của ông chủ và đường sự nghiệp của bạn sẽ lên như diều gặp gió.

Người thất bại vì lối sống tùy ý, thỏa mãn; Người thành công nhờ năng lực kiểm soát thói quen; Người ưu tú dựa vào kỷ luật tự giác luyện thành: Bạn là ai?
PV (tổng hợp)

Theo Trí Thức Trẻ