baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Khỏi ung thư giai đoạn cuối nhờ vaccine thử nghiệm

Trường hợp thứ nhất là bà Stephanie Gangi, 66 tuổi, bị ung thư vú di căn. Sau hơn 20 năm chiến đấu với căn bệnh, trải qua 12 đợt phẫu thuật và điều trị tàn khốc, bà Gangi muốn buông xuôi.

Đặc biệt, khi các bác sĩ phát hiện một khối u mới trên tuyến thượng thận của bà vào năm 2021, Gangi không còn đủ sức lực và tinh thần để tiếp tục hóa trị, do đó bà từ chối điều trị. Tuy nhiên, các bác sĩ đã nói với bà rằng có một cuộc thử nghiệm lâm sàng chuẩn bị triển khai và nó có thể cứu sống người phụ nữ. Đó là thử nghiệm tiêm vaccine tại Bệnh viện Mount Sinai tại New York.

Vaccine này được tiêm trực tiếp vào các khối u, giúp nhanh chóng làm tan khối u nguyên phát và dạy cơ thể cách săn lùng cũng như tiêu diệt các tế bào ung thư di căn.


Bà Stephanie Gangi, 66 tuổi, người được tiêm vaccine điều trị ung thư giai đoạn thử nghiệm. Ảnh: Latimes

Liệu trình này bao gồm 4 giai đoạn. Đầu tiên, bệnh nhân được xạ trị với bốn liều nhỏ trong hai ngày để tiêu diệt một số tế bào ung thư.

Bệnh nhân cũng được tiêm Flt3L vào khối u trong 9 ngày. Đây là một loại protein tự nhiên được con người tạo ra hàng ngày, giúp sản sinh các loại tế bào khác nhau, bao gồm cả tế bào trình diện kháng nguyên, hay còn gọi là tế bào "giáo sư".

Sau đó, người bệnh được tiêm một liều tăng cường, để tăng số lượng tế bào "giáo sư" lên mười đến một trăm lần.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiêm poly-ICLC, một loại virus giả kích hoạt các tế bào "giáo sư", 8 lần trong 6 tuần vào khối u. Các tế bào này sẽ tiêu diệt khối u, sau đó dạy cho các tế bào T cách nhận biết tế bào ung thư. Tế bào T sẽ di chuyển khắp cơ thể và tiêu diệt mọi tế bào ung thư mà chúng gặp phải.

Vào ngày 23, thành phần cuối cùng, pembrolizumab, bắt đầu được đưa vào liệu trình. Đây là một liệu pháp miễn dịch được Cục Quản lý Thực Phẩm và Dược phẩm (FDA) chấp thuận, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư.

Với phác đồ trên, trong vòng hai tháng, khối u tuyến thượng thận của bà Gangi dần teo lại và biến mất. Tiến sĩ Thomas Marron, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết "cảm giác giống như trúng số" khi xem phim chụp của nữ bệnh nhân.

Trường hợp thứ hai, ông Morrison, 53 tuổi, đến từ New York, được chẩn đoán mắc ung thư máu vào năm 2017.

Mọi thứ trở nên tồi tệ nhất vào năm 2018, khi căn bệnh ung thư trở nặng và lan đến cổ. Morrison từng tham gia thử nghiệm vaccine phiên bản cũ của Mount Sinai nhưng không hiệu quả. Ông đã thuyên giảm một thời gian ngắn nhờ hóa trị vào năm 2019, nhưng lại tái phát ngay khi đại dịch bắt đầu.

Chán nản, ông đã đồng ý thử một phiên bản vaccine mới vào năm 2020. Trong vòng 6 tháng, các khối u đã biến mất hoàn toàn.


Một phụ nữ được tiêm vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung ở Thượng Hải. Ảnh:AP

Theo các nhà khoa học, cần phân biệt vaccine điều trị, vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị miễn dịch.

Vaccine phòng ngừa ung thư chủ yếu dành cho người bị tổn thương tiền ác tính như polyp ruột kết, nhằm ngăn chúng tiến triển thành ung thư. Trong khi đó, vaccine điều trị sử dụng ở người đã có tế bào ung thư, giúp ngăn bệnh chuyển nặng hoặc tái phát. Chúng thúc đẩy hệ thống miễn dịch tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư chứa một số kháng nguyên đặc hiệu cho khối u mà tế bào khỏe mạnh không có.

Vaccine cung cấp một số phân tử hoạt động giống với kháng nguyên này để kích thích hệ miễn dịch tạo tế bào T "sát thủ", tiêu diệt tế bào ung thư.

Dù các nghiên cứu phát triển nhanh chóng, các chuyên gia lưu ý vaccine ung thư còn cách vạch đích rất nhiều năm. Tuy nhiên, họ dự đoán trong tương lai, đây sẽ là tiêu chuẩn về ngăn ngừa và điều trị ung thư.

Mai Dung (Theo Daily Mail, Washington Post)