baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Những cái nắm tay bên trong phiên tòa chỉ còn lại Đoàn Thị Hương


Khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt bơ phờ sau ba đêm liền gần như không ngủ, Hương liên tục lặp lại câu "Em không có làm gì hết" bằng giọng nói không còn chút sức lực xen giữa những tiếng nấc nghẹn.

Một số phóng viên có mặt tại Tòa thượng thẩm Shah Alam sáng 14/3 đã không kiềm được nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng đó. Vụ xét xử, mà đến hôm 11/3 chỉ còn Hương là bị cáo duy nhất, được hoãn lại thêm một lần nữa sau khi thẩm phán đồng ý rằng tình trạng sức khỏe "thể chất và tinh thần" của Hương không phù hợp để cô có thể đưa ra lời khai.

"Rõ ràng có sự phân biệt đối xử"
"Em không tức giận vì Siti được thả, vì Chúa biết là cả em và cô ấy đều không có làm gì hết. Chúng em không có làm gì hết", Hương nói với phóng viên Zing.vn sau quyết định của thẩm phán Azmi bin Ariffin, từ bục dành cho bị cáo.


Hương được dẫn rời khỏi tòa án ở Malaysia hôm 14/3. Ảnh: Hoàng Việt.

Trùm khăn kiểu Hồi giáo, mặc một chiếc áo khoác mỏng thay cho áo chống đạn, cô đưa đôi tay bị còng cố nắm lấy tay những người Việt Nam đang đứng gần đó, bao gồm Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh. Gần như không thể nghe những gì Hương nói nếu không đứng đủ gần. Trong một khoảnh khắc, cô kéo hai bàn tay ngài đại sứ đặt lên trán mình, dường như để thể hiện sự biết ơn.

Hương tiếp tục nắm lấy tay những người khác, vẫn nói câu "Em không có làm gì hết". Khuôn mặt, ánh nhìn, đôi tay và cả cử chỉ của cô đều cho thấy sự suy sụp. So với phiên tòa hồi tháng 8, khi cô cũng từng bật khóc vì thẩm phán tuyên bố có đủ bằng chứng để tiếp tục xét xử cô với cáo buộc giết người, lần này Hương gần như ngã quỵ.

"Tôi vô cùng căng thẳng và lo lắng. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa", Hương nói thông qua người phiên dịch khi được thẩm phán hỏi về tình trạng sức khỏe của cô.

Ông Hisyam Teh Poh Teik, một trong ba luật sư của Hương, trước đó cho biết cô "chỉ ngủ được khoảng một tiếng mỗi đêm" trong 3 ngày qua, sau khi Siti Aisyah, công dân Indonesia bị truy tố cùng cô, được trả tự do hôm 11/3. Tổng chưởng lý Malaysia Tommy Thomas đã quyết định ngừng việc truy tố Aisyah, và thẩm phán Azmi bin Ariffin đã trả tự do cho cô tại tòa, dù không đưa ra lệnh tha bổng.


Ông Hisyam Teh Poh Teik (giữa) cùng các luật sư khác của Hương trả lời báo chí sau phiên tòa. Ảnh: Hoàng Việt.
Song Hương đã không được đối xử tương tự trong phiên tòa hôm 14/3. Tổng chưởng lý Malaysia, sau khi xem xét đơn đề nghị của các luật sư rằng Hương cũng phải được trả tự do như Aisyah, đã quyết định vẫn tiếp tục tiến hành xét xử công dân Việt Nam mà không đưa ra lý do.

Động thái này đã bị các luật sư của Hương lên án mạnh mẽ. Ông Hisyam nói với thẩm phán rằng quyết định của Tổng chưởng lý Thomas, người có quyền hạn rộng lớn trong việc tiếp tục hay chấm dứt một vụ xét xử tại Malaysia, là "ngang ngạnh" và cho thấy sự "phân biệt đối xử".

"Cả hai bị cáo đều nói họ bị biến thành tốt thí của người Triều Tiên, cả hai đều nói họ chỉ tham gia đóng một trò chơi khăm để quay phim... Rất rõ ràng là có sự phân biệt đối xử. Tổng chưởng lý thiên vị bên này so với bên kia", luật sư Hisyam nói.

"Chúng tôi lo ngại rằng cơ quan công tố đã không hành động công bằng và thỏa đáng... Hiến pháp của chúng ta đã bị vi phạm".

Nói với các phóng viên bên ngoài phòng xử sau phiên tòa, các luật sư của Hương nói họ sẽ tiếp tục gửi đơn đề nghị Tổng chưởng lý Thomas hủy bỏ truy tố. Ông Hisyam nói ông Thomas có "nghĩa vụ đạo đức" là phải đến tòa để giải thích lý do tại sao họ đưa ra quyết định khác nhau với Hương và Aisyah.

"Không có sự khác biệt nào trong hai trường hợp này", ông nói. "Điều chúng tôi muốn là sự công bằng".

Đại sứ Lê Quý Quỳnh sau đó nói với Zing.vn rằng ông "rất thất vọng" về quyết định của phía Malaysia. "Chúng tôi sẽ đề nghị Malaysia xét xử công bằng và trả tự do cho Hương càng sớm càng tốt", ông cho hay.


Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh trong vòng vây của báo giới tại Tòa thượng thẩm Shah Alam sáng 14/3. Ảnh: Hoàng Việt.Không phải là "lựa chọn" giữa hai cô gái
Theo kế hoạch trước đó, cả Hương và Siti Aisyah đều sẽ phải bước vào các phiên đối chất tại tòa, sau một phiên tòa hồi tháng 8/2018. Khi đó, thẩm phán tuyên bố có đủ bằng chứng cho thấy hai cô gái tham gia vào "một âm mưu được lên bạc bạc kỹ lưỡng" nhằm giết hại công dân Triều Tiên được cho là Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, tại sân bay Kuala Lumpur hồi đầu năm 2017.

Các luật sư cho rằng thân chủ của họ chỉ là "con tốt thí" trong vụ ám sát mang động cơ chính trị. Họ nói phía công tố viên đã không chứng minh được hai cô gái có ý định giết người. Theo luật Malaysia, ý định giết người là yếu tố tối quan trọng để truy tố một người với tội danh này.

Sau khi Siti Aisyah được thả, các luật sư của Hương cũng như chính phủ Việt Nam đã kêu gọi trả tự do cho công dân Việt Nam, để đảm bảo công bằng trong xét xử. Lập luận này nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia mà Zing.vn đã trò chuyện.

Luật sư Viknesvaran Kanapathippillai, đại diện hãng luật Viknes Ratna & Co tại Kuala Lumpur, cho rằng tổng chưởng lý Malaysia, cố vấn luật pháp hàng đầu của chính phủ, dường như đã "quên mất một thứ mà ai cũng nghĩ đến trong đầu".

"Có một quy định trong luật hình sự Malaysia nói về ý định chung. Hai người hành động cùng nhau, tức là họ có ý định chung. Đó là điểm mấu chốt, vì anh cần công bằng với cả hai cô gái", luật sư Kanapathippillai nói.

"Nếu anh cảm thấy không có cơ sở truy tố cô Indonesia thì cũng không có cơ sở để truy tố cô Việt Nam. Không có cái gọi là 'lựa chọn' ở đây".

Vị luật sư khẳng định rằng quyết định không hủy bỏ truy tố với Hương là không công bằng vì cáo buộc với hai cô gái là như nhau.

"Rất đáng lo ngại khi bạn cho một người được tự do còn người kia thì không. Có khác nhau không? Nếu như cô gái Indonesia bị bắt ở một nơi khác, thì có khác nhau đó. Nếu nói cô gái Việt Nam tham gia nhiều hơn, thì họ cùng nhau hành động mà?", ông nói.


Phóng viên chờ đợi để vào phòng xử án hôm 14/3. Ảnh: Vũ Mạnh.Can thiệp ngoại giao sẽ quyết định vụ việc?
Luật sư Yohendra Nadarajan, chủ hãng luật Netto & Yohendra ở Kuala Lumpur, cũng cho rằng Hương đã bị đối xử "có vẻ không công bằng". Đồng thời, ông nói quan hệ quốc tế và ngoại giao sẽ đóng vai trò lớn trong diễn biến tiếp theo.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah hôm 12/3, đề nghị xét xử công bằng và trả tự do cho Hương. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cũng có thư gửi Tổng chưởng lý Thomas. Sau phiên tòa hôm 14/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cũng đã gặp và bày tỏ thất vọng với Đại sứ Malaysia tại Hà Nội Zamruni Khalid.

Một số nhà phân tích đã bày tỏ lo ngại rằng vụ việc có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Malaysia.

"Chúng ta không thể nhìn nhận gì vào lúc này. Tất cả đều diễn ra ở hậu trường", luật sư Nadarajan nói.

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 14/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói Việt Nam "rất lấy làm tiếc" khi Đoàn Thị Hương chưa được trả tự do.

Ông Nadarajan cũng cho rằng Hương đang có "một trong những luật sư hình sự tốt nhất ở Malaysia” để bào chữa cho cô. "Tôi chắc chắn họ sẽ làm hết sức mình vì cô ấy", ông nói.

Luật sư của Đoàn Thị Hương: 'Cô ấy bị khủng hoảng' Ông Hisyam Teh Poh Teik, luật sư biện hộ chính cho Đoàn Thị Hương, cho biết thân chủ của ông rất sốc trước diễn biến tại phiên tòa ngày 11/3.

Vũ Mạnh theo Zing.vn