baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Phi công Trần Ngọc Duy trong ký ức người ở lại

Ngày 24 tháng chạp, cả nhà thiếu tá Trần Ngọc Duy đáp chuyến bay về quê vợ Ninh Thuận, đón cái Tết đoàn tụ đầu tiên sau ba năm chuyển công tác ra Bắc. Thiếu úy Võ Hoàng Minh Phương - vợ thiếu tá Duy nói mười ngày nghỉ là cái Tết dài nhất của anh bên vợ con, kể từ khi họ kết hôn năm 2016.

Mùng 4 Tết, anh ra đơn vị - Trung đoàn Không quân 921 ở Yên Bái trước để chuẩn bị cho chuyến cất cánh luyện tập đầu năm mới. Họ dự định 14 tháng Giêng gặp nhau ở sân bay Nội Bài, khi ba mẹ con từ Phan Rang - Tháp Chàm ra. Chị Phương không ngờ chuyến đi sớm hơn lời hẹn, lại để lo tang lễ cho chồng.

"Khi nhận tin, tôi vẫn nghĩ anh đã nhảy dù bị thương phải cấp cứu chứ không nghĩ anh đã hy sinh. Không biết những ngày sau 3 mẹ con phải làm thế nào", góa phụ 26 tuổi gạt nước mắt trong đêm trước lễ viếng chồng.


Phi công Trần Ngọc Duy luyện tập bay năm 2021. Ảnh: Tư liệu/CTV

Anh Duy quê Thái Bình, tốt nghiệp trường Sĩ quan không quân Nha Trang rồi về công tác tại Trung đoàn 937 đóng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Ngày chị Phương đưa người yêu phi công về ra mắt, ông Võ Văn Dũng nhìn chàng trai cao lớn trước mặt, tin rằng đây là người con gái có thể giao phó trọn đời.

Trong mắt ông, anh con rể ít nói nhưng sống tình cảm, hợp tính nên vẫn tâm sự về dự định tương lai. Biết đời binh nghiệp phi công rủi ro nhiều hơn hào quang, ông Dũng luôn dặn dò con gái "động viên chồng, đừng để Duy buồn mà phân tâm, bay không tốt".

Ba năm qua, vợ chồng ông Dũng đón Tết với nhau khi con gái theo chồng từ Phan Rang ra Trung đoàn Không quân 921 ở Yên Bái làm việc. Cuối năm ngoái, sau khi cất được mái nhà, chấm dứt những ngày thuê trọ, anh Duy quyết định đưa vợ con về ngoại ăn Tết.

Trước khi trở về đơn vị, anh dặn dò bố mẹ vợ "mùa hè này ra miền bắc đi chơi một chuyến". Hôm 30/1 (mùng 9 Tết), Chip và Cam - hai con gái của Duy khi trò chuyện video qua điện thoại vẫn nhắc bố cuối tuần đón cả nhà ở sân bay Nội Bài.

Cũng như con gái, khi đơn vị báo tin dữ, ông vẫn đinh ninh chàng rể đã bung được dù và chỉ bị thương nằm viện. Trên đường từ Ninh Thuận ra sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa), gia đình ông mới biết Duy đã hy sinh.

"Tôi mong muốn thu xếp hậu sự ổn thỏa cho con rể, rồi xin phép thông gia, đơn vị tạo điều kiện đưa con gái và cháu ngoại về Ninh Thuận để ông bà tiện chăm sóc", người đàn ông 60 tuổi mắt thâm quầng sau đêm không ngủ, nói.


Ông Võ Văn Dũng, bố vợ thiếu tá Trần Ngọc Duy từ Ninh Thuận ra Yên Bái đêm 31/1 khi nghe tin con gặp nạn. Ảnh: Sơn Hà

Hai trung tướng phi công - anh hùng Phạm Tuân, Phạm Phú Thái từ Hà Nội lên Yên Bái viếng thiếu tá Trần Ngọc Duy. Gặp nhau tại Trung đoàn dịp kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ trên không hồi tháng 12/2022, tướng Phạm Tuân nhớ Duy là chàng trai cao lớn, cười lành nhưng toát lên bản lĩnh.

Hai người cùng quê Thái Bình, trưởng thành từ Đoàn Sao Đỏ và là thế hệ phi công quân sự lớp trước, lớp sau nên đã nói chuyện rất lâu. Thiếu tá Duy coi tướng Tuân là thần tượng, nên hôm đó hai người đã chụp chung một tấm ảnh. Duy cùng đồng đội nói rằng muốn noi gương thế hệ đi trước, trở thành phi công giỏi, có thể xử lý mọi tình huống hóc búa khi bay.

Đại tá Dương Quốc Thịnh, Chính ủy Trung đoàn Không quân 921 khi đọc điếu văn truy điệu cho biết, ngay sau khi máy bay gặp nạn, thiếu tá Duy được đồng đội, y bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng, anh đã không qua khỏi. Dù vậy, "những hoài bão dang dở của người lính phi công ra đi, người ở lại sẽ phấn đấu hoàn thành".

"Đồng đội, những người bạn chiến đấu nguyện học tập ý chí ham bay, say học, lòng dũng cảm của thiếu tá Duy để xây dựng lực lượng không quân tinh nhuệ, hiện đại, góp phần bảo vệ Tổ quốc", đại tá Thịnh nói.

Theo ông, thiếu tá Trần Ngọc Duy hy sinh là tổn thất vô cùng to lớn đối với quân đội. 13 năm phục vụ lực lượng không quân, chuyên ngành Sĩ quan lái máy bay quân sự, anh đã trải qua nhiều chức vụ, dày kinh nghiệm với hơn 725 giờ bay tích lũy trên các loại máy bay IAK-52, L-39, Su-22.

Dày thành tích trong huấn luyện chiến đấu và công tác, phi công Duy đã nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng ba, Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng ba và nhiều danh hiệu khác,


Hai trung tướng phi công Phạm Tuân và Phạm Phú Thái tại lễ viếng thiếu tá Trần Ngọc Duy, sáng 1/2. Ảnh: Đắc Huy

Lễ viếng phi công Trần Ngọc Duy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái hôm nay có các cựu quân nhân từng công tác tại sân bay Yên Bái, từ nguyên chỉ huy đến nhân viên kỹ thuật. "Dù cách biệt thế hệ, không làm việc cùng nhau nhưng chúng tôi vẫn là đồng đội. Cá nhân hy sinh nhưng là mất mát chung của toàn lực lượng", thiếu tá Hà Quang Huy, cựu Tổ trưởng máy bay, Trung đoàn Không quân 921, chia sẻ.

"Tâm hồn dành cho đất trời/Nghĩa vụ dành cho Tổ quốc/Trái tim dành cho người phụ nữ/Danh dự dành cho bản thân", một người dân viết lời cảm tạ trong sổ tang tiễn biệt phi công Trần Ngọc Duy.

Theo Vnexpress