baovecuongthinh.com

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

Sự trở lại của Monsanto và hiểm họa thuốc diệt cỏ tại Việt Nam

Sau phán quyết lịch sử của tòa án Mỹ, Việt Nam hiện nay có đủ lý do để ít nhất là tạm thời ngừng lưu hành thuốc diệt cỏ Roundup đang gây tranh cãi tại nhiều nước trên thế giới vì hiểm họa ung thư và các nguy cơ sức khỏe khác, giới chuyên gia nhận định.

Ngày 10/8, bồi thẩm đoàn tại Tòa cấp cao San Francisco (Mỹ) kết luận Monsanto, công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, đã không cảnh báo khách hàng về rủi ro ung thư khi sử dụng những loại thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate của hãng này.

Tòa yêu cầu Monsanto bồi thường cho nguyên đơn Dewayne Johnson, 46 tuổi, chuyên viên vệ sinh tại một ngôi trường tại California, tổng số tiền 289 triệu USD. Người này từng sử dụng 2 loại thuốc diệt cỏ của Monsanto là Roundup và Ranger Pro trung bình 30 lần/năm trước khi phát hiện bị ung thư hạch bạch huyết vào năm 2014.

Phải chứng minh không gây ung thư
Glyphosate hiện nay cũng đang được sử dụng tràn lan tại Việt Nam. Trả lời Tuổi Trẻ ngày 14/8, ông Hoàng Trung, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng chưa thể cấm hẳn thuốc bảo vệ thực vật có chứa glyphosate vì “cần có đầy đủ thông tin”.

Ông Trung nói: “Việc cấm hay cho phép sử dụng phải dựa trên các quy định của pháp luật, mà cụ thể là Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, chứ không phải cấm vì nước nọ nước kia cấm nên Việt Nam cũng cấm”.

Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã có đầy đủ thông tin để đặt dấu hỏi về tính an toàn của thuốc diệt cỏ Roundup và hoạt chất glyphosate.


Glyphosate là thành phần hoạt tính được sử dụng trong nhiều thuốc diệt cỏ, trong đó có thuốc Roundup của Monsanto. Ảnh: Reuters
Ông Gary Ruskin, người đồng sáng lập và giám đốc tổ chức phi lợi nhuận US Right To Know, cho rằng vấn đề không phải là chứng minh glyphosate có hại rồi mới cấm; thay vào đó, các sản phẩm chứa glyphosate phải bị cấm cho đến khi được chứng minh an toàn.

Ông Ruskin nói với Zing.vn: "Monsanto đã gây ra thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam với quy mô không gì sánh được. Với quá khứ này, Việt Nam nên tuân theo các nguyên tắc phòng ngừa: Cần trì hoãn cấp phép sản phẩm Roundup cho đến khi Bayer hoặc Monsanto có thể đưa ra những nghiên cứu độc lập cho thấy Roundup không gây ung thư hoặc nguy hại đến sức khỏe”.

Monsanto vừa được tập đoàn Bayern AG (Đức) mua lại với giá 66 tỷ USD hồi tháng 7.


Theo BBC, Glyphosate là thành phần hoạt tính được sử dụng trong nhiều thuốc diệt cỏ, trong đó có thuốc Roundup của Monsanto. Glyphosate được tổng hợp bởi Monsanto vào năm 1974, thời hạn độc quyền chấm dứt vào năm 2000 và hiện tại sản phẩm chứa glyphosate được bán bởi nhiều nhà sản xuất khác nhau. Glyphosate được sử dụng trong nông lâm nghiệp, diệt cỏ ở các khu công nghiệp, công viên và vườn tược.

Nhiều nước cấm glyphosate
Báo cáo năm 2017 của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp glyphosate vào nhóm hoạt chất "nhiều khả năng gây ung thư".

Bồ Đào Nha, Italy và thành phố Vancouver của Canada đã cấm sử dụng glyphosate trong các công viên và vườn công cộng. Hồi tháng 5, chính phủ Pháp cam kết sẽ cấm "hầu hết việc sử dụng" glyphosate trước năm 2021 và tiến đến cấm hoàn toàn trong 5 năm. Sri Lanka cấm việc nhập khẩu glyphosate vào năm 2015 sau chiến dịch do một sư thầy phát động. Argentina không có lệnh cấm glyphosate trên cả nước, nhưng nhiều thành phố đã thông qua luật hạn chế sử dụng sản phẩm có chất này.


Một cuộc biểu tình phản đối Monsanto ở thủ đô Santiago, Chile năm 2015. Ảnh: Reuters.
Theo tòa án San Francisco, Monsanto đã không cảnh báo trước cho nạn nhân về tác hại của việc tiếp xúc với thuốc diệt có Roundup có chứa glyphosate, đã "hành xử với ý đồ xấu và sự đàn áp". Tòa cũng phán quyết rằng Monsanto đã biết hoặc có thể đã biết về sự nguy hiểm của glyphosate.

"Chúng tôi cuối cùng đã có thể cho bồi thẩm đoàn thấy các tài liệu bí mật và nội bộ của Monsanto để chứng minh công ty này biết Roundup có thể gây ung thư trong hàng thập niên qua", Guardian dẫn lời luật sư Brent Wisner của nguyên đơn Dewayne Johnson.

Báo cáo "ma", thao túng chính quyền
Trong phiên xử vụ kiện của ông Johnson, các luật sư của nguyên đơn lập luận rằng trong nhiều năm dài, Monsanto đã "chống lại khoa học" và có những chiến dịch nhằm phản bác các học giả đưa ra cảnh báo về hiểm họa sức khỏe trong sản phẩm của tập đoàn này.


Monsanto đứng sau nhiều nghiên cứu, thoạt trông có vẻ độc lập, nhằm biện minh cho sự an toàn của glyphosate. Ảnh: Reuters.
Các luật sư bên nguyên đơn đã trình ra hàng loạt email nội bộ để chứng minh Monsanto cố tình lờ đi các báo cáo khoa học độc lập chứ không phải không biết về sức hủy hoại của hoạt chất này.

Luật sư Wisner đã dẫn ra các email từ nhiều thập niên trước. Thời điểm đó, Monsanto đang làm việc với một chuyên gia hóa học và người này bày tỏ quan ngại về tác động của Roundup lên con người, đề xuất nghiên cứu sâu hơn.

Sau khi đọc những báo cáo này, người của Monsanto đã cân nhắc tìm kiếm một chuyên gia khác và ra thông cáo báo chí tuyên bố ngược lại: Sản phẩm của họ không gây ra nguy hiểm nào.

Luật sư Wisner cũng công bố tại tòa những email mà ông cho rằng chứng minh những chiến lược của Monsanto nhằm tạo ra những báo cáo "ma" theo hướng có lợi cho họ; công ty này đứng sau những nghiên cứu trông có vẻ độc lập đó.

Monsanto tuyên bố sẽ kháng án và những email bên nguyên đơn trình bày đã bị "lấy ra khỏi ngữ cảnh".

“Vòi bạch tuộc" của Monsanto không chỉ tác động công chúng, giới khoa học mà còn vươn đến các cơ quan quản lý trong chính quyền nhằm thao túng các nghiên cứu khoa học theo hướng có lợi cho mình.

Cả trong và ngoài phiên tòa ông Johnson, Monsanto liên tục viện dẫn báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) tán thành việc sử dụng glyphosate. Trong khi đó, bằng chứng tại tòa cho thấy công ty này có mối quan hệ mật thiết với các quan chức của EPA để tuyên truyền về “sự an toàn” của Roundup và che giấu những dữ kiện chứng minh ngược lại.

Các bằng chứng và lời khai đưa ra trong phiên xử cũng trùng khớp với cáo buộc rằng tập đoàn này, trong nhiều thập niên dài, đã làm việc một cách có hệ thống để dẹp im những tiếng nói phản đối từ giới khoa học và kiếm tìm những báo cáo có lợi cho việc bán sản phẩm của họ.

Mô típ hành động này của Monsanto càng gây thêm khó khăn cho việc các cơ quan quản lý đi tìm dữ kiện để chứng minh tác hại trước khi ra lệnh cấm.

Guardian cho biết các lời khai và bằng chứng trình lên tòa cho thấy dấu hiệu cảnh báo về glyphosate đã xuất hiện từ đầu thập niên 1980 và chỉ dày thêm qua thời gian. Thế nhưng với mỗi nghiên cứu mới được công bố, Monsanto đã nỗ lực tạo ra những phiên bản nghiên cứu khác cho rằng glyphosate vẫn an toàn.

Một luận điểm khác mà phía ủng hộ glyphosate hay vin vào là sự bảo chứng của Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (Efsa). Quan điểm của Efsa là căn cứ quan trọng để Liên minh Châu Âu (EU) xem xét gia hạn cho phép sử dụng glyphosate trong khối.

Tuy nhiên, Efsa lại đưa ra quan điểm dựa trên một báo cáo đánh giá công bố năm 2015 mà bị báo chí phát hiện hàng chục trang trong đó là sao chép từ báo cáo do Monsanto nộp lên.

Theo Guardian, những phần bị sao chép là phần khảo cứu các nghiên cứu trước đó về mối liên hệ giữa plyphosate với khả năng gây đột biến tế bào, ung thư và tổn hại khả năng sinh sản. Efsa bác bỏ chỉ trích và cho rằng những trang đó đơn thuần là phần trích từ các nghiên cứu đã được công bố trước chứ không phải công trình nghiên cứu từ phía Monsanto.


Monsanto vừa được tập đoàn Bayern AG (Đức) mua lại với giá 66 tỷ USD hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.
Không để lặp lại thảm họa Monsanto
Thuốc diệt cỏ Roundup và glyphosate không phải "dấu vết" đầu tiên của Monsanto tại Việt Nam. Là một trong những công ty sản xuất chính của chất độc da cam, Monsanto liên tục tuyên bố không phải chịu trách nhiệm gì với chất độc này với luận điểm: Monsanto hiện nay là một công ty nông nghiệp, không có gì liên quan ngoài cái tên đến công ty chế tạo chất độc da cam trong thời chiến.

Lập luận này đã bị các chuyên gia có uy tín bác bỏ.

Giáo sư Bart Elmore (Khoa Lịch sử, Đại học Bang Ohio, Mỹ) nói với Zing.vn: "Monsanto vẫn bị buộc chặt với quá khứ của chính mình. Hãy nhìn Roundup, thuốc diệt cỏ thương hiệu của họ, vẫn được sản xuất tại các khu xả thải Superfund". Khu xả thải Superfund là những khu vực ô nhiễm vì các chất thải gây nguy hại, chất thải không được kiểm soát đúng cách và cần được tẩy độc.

Vào năm 2004, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam kiện Monsanto, Dow Chemical và hơn 30 công ty đã sản xuất chất độc da cam lên tòa án tại New York. Cũng chính tòa án này vào năm 1984 đã thụ lý vụ kiện của các cựu binh Mỹ đối với Monsanto và một số công ty hóa chất Mỹ vì những hệ lụy của chất độc da cam. Kết quả là các tập đoàn hóa chất này phải bồi thường số tiền 180 triệu USD cho 291.000 người trong thời gian 12 năm.

Thế nhưng, đến vụ việc của các nguyên đơn Việt Nam, chính thẩm phán Jack Weinstein, người xử vụ kiện năm 1984, đã đứng về phía các công ty hóa chất và cho rằng việc cung cấp chất độc không cấu thành tội ác chiến tranh.


Hai em bé là nạn nhân chất độc da cam trong một bệnh viện ở TP.HCM vào năm 2005. Ảnh: Reuters.
Các chuyên gia nhận định chính sự bất nhất này đã cho phép Monsanto tiếp tục từ chối bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam. Tháng 12/2017, Monsanto (với tên gọi Dekalb Việt Nam) được vinh danh năm thứ 2 liên tiếp trong Top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam.

Ông Chuck Searcy, một cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, chỉ ra: "Monsanto chưa từng thừa nhận sự hủy diệt mà chất độc da cam gây ra trong cuộc chiến. Cho đến nay, họ cũng không đề xuất bất cứ hình thức nào hỗ trợ hàng triệu nạn nhân Việt Nam".

Các chuyên gia có cùng chung nhận định: Việc mở cửa cho Monsanto quay trở lại Việt Nam cần được nghiên cứu và thực hiện cẩn trọng, tránh nhân danh “phát triển công nghệ sinh học” để từ đó lơ là cảnh giác trước những sản phẩm đang gây tranh cãi của công ty này ở nhiều nơi trên thế giới.

Ông Jeffrey Smith, tác giả cuốn sách "Seeds of Deception" (tạm dịch: Hạt giống lừa dối) và là nhà nghiên cứu kỳ cựu về sản phẩm biến đổi gen, đúc kết: “Việt Nam cần có thái độ cực kỳ thận trọng với Monsanto và các sản phẩm của tập đoàn tai tiếng này. Sẽ thật trớ trêu nếu người Việt Nam phải gánh chịu hệ quả bi kịch từ cả 2 sản phẩm của Monsanto: trước đây là chất độc da cam và có thể sau này là Roundup”.
Tòa án tham vấn quốc tế tại The Hague (Hà Lan) kết luận tập đoàn công nghệ sinh học Monsanto có các hoạt động làm ảnh hưởng tiêu cực đến các quyền cơ bản của con người.
Chất diệt cỏ của Monsanto, công ty sản xuất chất độc da cam trong chiến tranh VN, bị kết luận là khiến một người bị ung thư. Tòa buộc công ty đền bù 289 triệu USD cho nguyên đơn.

An Điền - Phương Thảo