Ảnh: Pinterest
Nhà văn nổi tiếng người Nhật Akihiro Nakatani tốt nghiệp Đại học Waseda đồng thời là nhà lập kế hoạch quảng cáo, kinh doanh một trường tư thục. Những bài viết về quản lý tài chính của ông rất được yêu thích ở Nhật Bản. Dưới đây là một số niềm tin, hành động giúp ông có nền tảng tài chính vững chắc.
1. Cảm nhận tích cực về tiền bạc
Người phương Đông thường có cảm nhận tiêu cực về tiền bạc. Nhưng, nếu bạn muốn thu hút sự giàu có, trước tiên bạn phải có cảm giác tích cực về tiền bạc. Bạn có thể nghĩ về những kết quả tích cực mà tiền mang lại, hoặc nó đã làm phong phú cuộc sống như thế nào.
Ví dụ, khi bạn định đến công viên Disneyland, đừng nghĩ đến những chiếc vé đắt tiền và số tiền bạn phải bỏ ra. Thay vào đó, hãy tự hỏi rằng: "Lần này tôi sẽ có được niềm vui nào? Tôi sẽ học hỏi được kinh nghiệm nào?". Khi bạn nghĩ như vậy, bạn đã bớt thấy nhàm chán và vui vẻ hơn.
Ngoài ra, khi bắt đầu tiêu tiền, bạn phải hít một hơi thật sâu, mở rộng đầu óc và coi mỗi đồng mình bỏ ra như chất dinh dưỡng làm phong phú thêm cuộc sống. Đây là cảm giác tích cực về tiền bạc, là luật hấp dẫn giúp bạn giàu có hơn.
2. Đừng tích trữ những thứ có thể mua được bất cứ lúc nào
Nếu bạn có thể mua thứ gì đó vào bất cứ lúc nào, đừng tích trữ nó. Nakatani thấy nhiều người Nhật và Đài Loan đã cải tạo nhà theo phong cách tối giản, khiến không gian sống rất thời trang. Tuy nhiên, khi họ tích trữ loạt giấy vệ sinh rẻ tiền, khiến tổng thể ngôi nhà rời rạc, mất tính thẩm mỹ.
"Bất kể ngôi nhà trông phong cách, sang trọng hay tối giản, mọi thứ đều thay đổi khi bạn có cả núi giấy vệ sinh hoặc đồ gia dụng. Những thứ chúng ta không cần bây giờ sẽ là đống rác trong tương lai", ông nói. Khi tham tích trữ, bạn sẽ không thể cảm nhận được giá trị của bản thân và khó kiếm được tiền.
Vì vậy, đừng mua những thứ tạm thời không cần vì mua sắm bốc đồng sẽ gây ra sự hỗn loạn trong nhà. Đồng thời, giảm mua linh tinh cũng giúp nhà sạch đẹp hơn.
3. Khi mời người khác đi ăn tối, hãy hào phóng hơn
Ảnh: Pinterest
Hãy tưởng tượng một tình huống rằng nếu hôm nay bạn đãi người khác, hoặc gia đình, người thân, bạn học một bữa, bạn sẽ đưa họ đi đâu? Lời khuyên của nhà văn người Nhật là hãy đưa họ đến một nhà hàng sang trọng. Bởi ăn đồ ngon có thể cải thiện trạng thái tinh thần. Dù có phải ăn kiêng vài ngày, bạn vẫn nên làm.
Lý do Nakatani gợi ý chọn nhà hàng cao cấp bởi đó là cách truyền tải thông điệp tới người kia rằng: "Tôi coi trọng bạn!". Trước đây, Akihiro Nakatani từng chọn một nhà hàng bình dân để chiêu đãi khách nhằm tiết kiệm tiền. Lúc đó, trong bữa ăn, mọi người thỉnh thoảng sẽ bày tỏ sự phàn nàn, điều này cũng khiến bầu không khí chung trở nên tiêu cực. Khi nhận ra sai lầm đó, ông đã mời khách ở nơi lịch sự, sang trọng hơn.
Một số người cho rằng đãi khách ở nhà hàng cao cấp sẽ khiến mình rỗng ví. Nhưng Nakatani gợi ý bạn đãi khách theo nguyên tắc:
- Không mời ăn ở quán ven đường. Một số quán bình dân ngon nhưng không thích hợp để chiêu đãi khách. Bởi khách sẽ dựa vào đó để đánh giá xem họ quan trọng với bạn như thế nào. Do vậy, khi đàm phán với người khác hoặc thảo luận về các cơ hội kinh doanh, ngoài việc có thái độ tốt, nhà hàng bạn chọn cũng rất quan trọng.
- Chọn những nhà hàng có dịch vụ vừa phải. Bởi một số nhà hàng có phục vụ đi lại liên tục sẽ khiến bạn khó có cuộc trò chuyện thông suốt.
4. Tránh mua theo combo giảm giá hoặc vì thứ gì đó rẻ
Bạn sẽ thường được bên trung tâm giáo dục, phòng gym quảng cáo rằng đóng liền hai, ba năm sẽ rẻ hơn hoặc mua nhiều khóa học sẽ được giảm giá. Sau đó, bạn nghe lời họ, mua theo combo và không theo hết chương trình hoặc số năm đã đóng phí. Bạn cũng khó có cơ hội được hoàn tiền cho dịch vụ/khóa học chưa sử dụng.
Tình trạng này là một trường hợp ham lợi nhỏ mà thua lỗ lớn. Vì vậy, điều chúng ta nên suy nghĩ là tại sao mình mua, chứ không phải vì chúng rẻ.
Hằng Trần (Theo FNC)