baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Có cần tiêm vaccine bạch hầu nhắc lại lúc lớn?


Ảnh: Bigstock

Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu lây lan từ người này sang người khác qua các giọt hô hấp khi người bị nhiễm bệnh hắt hơi hoặc ho. Bệnh cũng có thể lây lan nếu bạn chạm vào bề mặt bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với các tổn thương da bị nhiễm bệnh (vết loét), quần áo hoặc khăn trải giường. Bệnh này vẫn là vấn đề lớn ở một số vùng của Châu Phi, Nam Mỹ, Đông Âu, Nga, Trung và Đông Nam Á, nơi tỷ lệ tiêm vaccine thấp.

Nhưng, căn bệnh nguy hiểm này có thể phòng ngừa bằng vaccine. Tất cả trẻ em nên tiêm năm liều vaccine bạch hầu theo lịch trình được đề cập dưới đây:

- 6 tuần, 10 tuần, 14 tuần tuổi.

- Mũi tăng cường đầu tiên: 16-18 tháng tuổi.

- Mũi tăng cường thứ 2 - 5 tuổi

Người lớn từng tiêm đủ vaccine bạch hầu lúc bé có cần tiêm nhắc lại?

Ngay cả sau khi hoàn thành lịch tiêm chủng từ khi 7 tuổi trở lên, bạn vẫn có thể cần tiêm nhắc lại vaccine sau mỗi 10 năm nếu bạn đi du lịch đến khu vực mà bệnh bạch hầu được coi là có nguy cơ cao.

Để giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh khi đi du lịch, bạn nên thực hiện vệ sinh đường hô hấp và vệ sinh tay thường xuyên, đặc biệt là khi bạn đang ở hoặc vừa mới đến những nơi đông đúc hoặc bận rộn.

Liều tiêm tăng cường cho bệnh bạch hầu có trong vaccine kết hợp. Loại vaccine này cũng bảo vệ bạn khỏi bệnh uốn ván và bại liệt. Nó có tên là Revaxis.

Có thể tiêm vaccine bạch hầu khi đang bị bệnh không?

- Trẻ em bị bệnh nhẹ như cảm lạnh có thể được tiêm vaccine nhưng trẻ em bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh.

- Trẻ bị phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng sau khi tiêm một liều vaccine bạch hầu thì không nên tiêm liều tiếp theo ngay. Cần sự tư vấn thêm từ bác sĩ.

- Trẻ bị bệnh não hoặc bệnh hệ thần kinh trong vòng 7 ngày sau khi tiêm một liều vaccine thì không nên tiêm liều tiếp theo.

- Trẻ có nhiệt độ 40,5 độ C trong vòng 48 giờ sau khi tiêm một liều vaccine không nên tiêm thêm một liều vaccine khác có chứa thành phần ho gà.

- Trẻ khóc liên tục trong ba giờ hoặc hơn trong vòng 48 giờ sau khi tiêm một liều vaccine bạch hầu không nên tiêm thêm một liều vaccine có chứa thành phần ho gà.

- Trẻ bị co giật trong vòng ba ngày sau khi tiêm một liều vaccine bạch hầu không nên tiêm thêm một liều vaccine có chứa thành phần ho gà nữa.

Những rủi ro khi tiêm vaccine bạch hầu là gì?

Vaccine, giống như bất kỳ loại thuốc nào, có khả năng gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Tuy vậy, nguy cơ từ vaccine bạch hầu gây ra tác hại nghiêm trọng hoặc tử vong là cực kỳ nhỏ.

Các vấn đề nhẹ (phổ biến): Sốt, đỏ hoặc sưng, đau nhức hoặc nhạy cảm tại vị trí tiêm.

Các vấn đề nhẹ khác bao gồm:

- Dễ cáu kỉnh, khó chịu (khoảng 1 trong 3 trẻ)

- Mệt mỏi hoặc chán ăn (khoảng 1 trong 10 trẻ)

- Buồn nôn (khoảng 1 trong 50 trẻ em)

Những vấn đề này thường xảy ra sau 1-3 ngày tiêm.

Các vấn đề trung bình (Không phổ biến) bao gồm:

- Co giật (khoảng 1 trẻ trong số 14.000 trẻ)

- Khóc liên tục, trong 3 giờ hoặc lâu hơn (khoảng 1 trẻ trong số 1.000 trẻ)

- Sốt cao, trên 40 độ C (khoảng 1 trẻ trong số 16.000 trẻ)

Các vấn đề nghiêm trọng (Rất hiếm) gồm:

- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng (tỷ lệ dưới 1 trên một triệu liều).

Hằng Trần Theo Vnexpress