baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Hai lao động Việt ở Nhật tìm đến nhà trả ví cho người đánh rơi

Anh Tấn cho biết mình cùng hai người bạn là Nguyễn Văn Ly và Nguyễn Phúc Huy nhặt được chiếc ví lúc khoảng 4h sáng 12/11 ở đoạn giao giữa công viên Daimon với khu tổ hợp Kamishin Plaza. Trong ví có nhiều tiền cùng nhiều giấy tờ quan trọng, nên chụp lại làm bằng chứng. Bốn tiếng sau, Tấn và Ly đạp xe tìm đến địa chỉ trên giấy tờ trong ví để trao trả.

Do các nhà trong dãy phố không đánh số cụ thể, hai người hỏi thăm một phụ nữ Nhật Bản và được dẫn đến tận nhà.


Người đàn ông Nhật Bản (quần hoa) cảm ơn anh Nguyễn Văn Ly (quần đùi bò) và bạn nhặt được ví gần công viên Daimon, sau đem đến tận nơi trả, sáng 12/11. Ảnh chụp màn hình

Chủ chiếc ví là người đàn ông ngoài 30 tuổi. Người này cho biết tối 11/11 đi nhậu, và khi anh Tấn mang trả mới biết là mình mất ví. Người đàn ông liên tục nói cảm ơn và muốn gửi tiền hậu tạ. Vợ anh cũng lấy giấy bút xin địa chỉ để gửi quà nhưng cũng bị từ chối.

"Trước khi đi chúng tôi thống nhất chỉ đem đồ đến trả, không nhận quà cảm ơn nên họ nói thế nào cũng từ chối", anh Tấn nói. Anh cho biết muốn dùng hành động này để lan tỏa truyền thống tốt đẹp của người Việt đến với bạn bè quốc tế.

"Ở xứ người, chúng tôi rất hay đọc được những thông tin tiêu cực về lao động Việt Nam trên báo chí nên muốn làm một điều gì đó để người Nhật hiểu rằng ở đâu cũng có người Việt Nam tốt bụng, hào sảng và sẵn sàng giúp đỡ", anh Ly nói thêm.


Anh Nguyễn Văn Ly (ngồi ngoài cùng bên trái), anh Nguyễn Văn Tấn (ngồi cạnh) và anh Nguyễn Phúc Huy (đứng ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng bạn bè tại Nhật Bản, tháng 10/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Câu chuyện ba người đàn ông Việt Nam tìm người đánh rơi trả lại tại Nhật Bản nhận được hàng nghìn bình luận, lượt yêu thích trên các diễn đàn mạng xã hội Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh lời ngợi khen hành động đẹp, một số ý kiến trái chiều cho rằng nên cầm ví đến đồn cảnh sát trình báo thay vì mang đến tận nhà để tránh rắc rối. Anh Tấn và hai người bạn đều cho biết bản thân không nghĩ nhiều, chỉ muốn nhanh chóng tìm người đánh mất trả lại.

Anh Tấn quê ở Huế, cùng hai người bạn là Ly và Huy ở Nghệ An sang Nhật Bản lao động từ năm 2018. Hiện cả ba làm công nhân lắp đặt giàn giáo xây dựng tại tỉnh Osaka. Đây không phải lần đầu tiên họ nhặt được ví đánh rơi và chưa bao giờ có ý định tư lợi cá nhân.

"Lần nào nhặt đồ được tôi đều tìm mọi cách trả lại cho người mất, tùy từng trường hợp sẽ đến tận nơi trao trả hoặc đem đến đồn cảnh sát bởi suy từ bản thân mình, khi mất giấy tờ quan trọng đều muốn nhanh chóng được nhận lại", anh Tấn nói.

Quỳnh Nguyễn theo Vnexpress