Từ ngày 1/7/2026, xe mô tô và xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm lưu thông trong phạm vi đường Vành đai 1 của Hà Nội. Quy định này được nêu tại Chỉ thị số 20 ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ cấp bách nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai vùng phát thải thấp.
Hà Nội được yêu cầu thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm đến thời điểm nêu trên, toàn bộ xe máy chạy xăng dầu không còn hoạt động trong khu vực Vành đai 1. Đây là bước đi đầu tiên trong lộ trình loại bỏ dần phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch ra khỏi khu vực trung tâm, tiến tới áp dụng trên toàn thành phố vào năm 2030.

Vành đai 1 của Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành
Các tuyến phố thuộc Vành đai 1
Vành đai 1 là tuyến giao thông khép kín kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm thủ đô với tổng chiều dài khoảng 7,2 km. Tuyến đường này chạy qua địa bàn các đơn vị hành chính: Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa (theo địa giới cũ trước khi sáp nhập).
Theo quy hoạch, các đoạn tuyến cụ thể của Vành đai 1 bao gồm:
- Trần Khát Chân (từ ngã ba Trần Khát Chân – Nguyễn Khoái)
- Đại Cồ Việt
- Xã Đàn
- Ô Chợ Dừa
- Đê La Thành
- Hoàng Cầu
- Cầu Giấy
- Đường Bưởi
- Lạc Long Quân
- Âu Cơ
- Nghi Tàm
- Yên Phụ
- Trần Nhật Duật
- Trần Quang Khải
- Trần Khánh Dư
- Nguyễn Khoái
Tuyến đường này tạo thành một vành đai khép kín, bao quanh khu vực nội đô, nơi có mật độ dân cư và phương tiện giao thông lớn. Việc cấm xe chạy xăng dầu được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí và thúc đẩy chuyển đổi sang giao thông xanh.
Sau năm 2026, lộ trình kiểm soát phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch tiếp tục được mở rộng:
Từ ngày 1/1/2028, ô tô cá nhân chạy xăng dầu cũng sẽ bị hạn chế hoạt động trong phạm vi Vành đai 1 và Vành đai 2. Đến năm 2030, toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ bị cấm trong khu vực Vành đai 3.

Vành đai 1, 2, 3 tại Hà Nội. Đồ họa: Khánh Hoàng
Thành phố Hà Nội được giao lập và công bố Đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025, trong đó đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển giao thông công cộng đa phương thức, phủ kín các tuyến chính, kết nối các khu dân cư đông đúc và đầu mối giao thông lớn. Đồng thời, hệ thống trạm sạc và dịch vụ hỗ trợ cho phương tiện năng lượng sạch cũng sẽ được mở rộng.
Ngoài ra, từ quý IV/2025, Hà Nội sẽ thí điểm cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại các nhà hàng, khách sạn và cơ sở ăn uống trong khu vực Vành đai 1.
Thành phố cũng được yêu cầu ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Bên cạnh đó, các loại phí như lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số và giá trông giữ xe đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ được điều chỉnh tăng tại khu vực trung tâm.
Cùng với các biện pháp trên, hệ thống quan trắc môi trường sẽ được hoàn thiện và kết nối về Cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia. Bộ Tài chính được giao bổ sung quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ phương tiện giao thông. Các địa phương cũng được yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong giám sát và xử lý vi phạm về môi trường.
Phạm Linh theo NGoisaovnexpress.net