Ảnh: Pinterest
1. 'Không phải lỗi của tôi'
Những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường không chịu trách nhiệm cho hành động của mình khi có sự cố. Họ sẽ ngay lập tức nói mình không có lỗi.
2. 'Nếu anh/chị không làm vậy thì đã không xảy ra chuyện này'
Vì không muốn chịu trách nhiệm về một việc gì đó, người EQ thấp sử dụng chiến thuật phổ biến là khiến bạn, hoặc bất kỳ ai khác, có vẻ như là người sai - chứ không phải họ.
3. 'Tôi không cần phải giải thích với anh/chị'
Cụm từ này là cách để họ tránh trách nhiệm giải trình hoặc giao tiếp thực sự với người đang tương tác.
4. 'Anh/chị đang phản ứng thái quá'
Đây là một hình thức thao túng tâm lý - cố gắng khiến người khác tin vào một thực tế sai lầm - và một lần nữa lại đổ lỗi. Thông điệp họ đang gửi đi là: Bạn là vấn đề, không phải tôi. Một cụm từ "độc hại" khác tương tự là "anh/chị quá nhạy cảm".
5. 'Vâng, tùy anh/chị'
Mọi người sử dụng từ "tùy", thường kèm theo một cái nhún vai, để nói rằng: "Tôi không muốn thảo luận về việc này nữa". Đó là một cách non nớt để đóng cửa giao tiếp và từ chối thảo luận thêm.
6. 'Anh/chị đang nói gì vậy? Tôi chưa bao giờ nói điều đó!'
Một lần nữa, đây lại là một hình thức thao túng tâm lý. Những người có EQ thấp viết lại thực tế, cả cho bản thân và người khác. Khi có người nói điều gì đó như thế này, họ thường đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm và khiến bạn nghĩ đã có chuyện khác xảy ra.
7. 'Đó là vấn đề của anh/chị, không phải của tôi'
Trong trường hợp này, những người non nớt về mặt cảm xúc sẽ tránh xa bất kỳ vấn đề phức tạp nào bằng cách đổ nó cho người khác và phủ nhận mọi trách nhiệm.
8. 'Anh/chị đang làm quá lên!'
Đây là một ví dụ khác về việc phủ nhận người khác, được sử dụng trong cả các mối quan hệ cá nhân và công việc. Bằng cách nói những cụm từ như thế này, một người non nớt về mặt cảm xúc đang bác bỏ mối quan tâm và ý kiến của người khác, đồng thời coi nhẹ phản ứng của họ.
9. 'Anh/chị đang nói về quá khứ'
Đúng vậy, tốt nhất thường nên tập trung vào tương lai. Nhưng những người có EQ thấp thường sẽ buộc tội những người nhắc đến lỗi lầm của họ là đang bới móc quá khứ. Họ không muốn học hỏi từ sai lầm và không muốn thảo luận một cách trung thực về bất cứ điều gì đang xảy ra. Họ muốn bỏ qua mà không giải quyết vấn đề.
10. 'Tôi chỉ nói đùa thôi!'
Đây là một ví dụ về cách những người có EQ thấp né tránh trách nhiệm một cách thụ động - hung hăng đối với những gì họ nói. Nghe có vẻ như họ đang cố gắng xoa dịu mọi chuyện, nhưng thực ra đó là một cách để chỉ trích ai đó, rồi tự tách mình ra khỏi lời nói của chính họ.
11. 'Anh/chị luôn luôn...' hay 'Anh/chị không bao giờ...'
Những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc thường sử dụng những cụm khái quát. Thay vì tham gia vào cuộc trò chuyện trung thực, mang tính xây dựng hoặc sử dụng các ví dụ cụ thể, họ sẽ đưa ra một lời buộc tội chung chung và sử dụng nó để tránh bất kỳ cuộc thảo luận nào tiếp theo.
12. 'Nhưng ai cũng làm vậy!'
Câu này nghe rất giống lời của một đứa trẻ. Bao nhiêu người trong chúng ta từng sử dụng lý lẽ "nhưng tất cả bọn trẻ đều làm vậy" để cố gắng - thường là vô ích - khiến cha mẹ cho phép chúng ta làm điều gì đó? Nhưng những người trưởng thành có EQ thấp cũng sử dụng nó. Họ sẽ đưa ra lý lẽ "ai cũng làm vậy" như một lời biện minh cho điều gì đó họ muốn làm hoặc đã làm.
Kathy và Ross Petras là đồng tác giả của cuốn sách Awkword Moments: A Lively Guide to the 100 Terms Smart People Should Know, You’re Saying It Wrong và That Doesn’t Mean What You Think It Means. Họ đồng tổ chức chương trình podcast You’re Saying It Wrong trên NPR và được đăng trên The New York Times, The Washington Post và Harvard Business Review.
Hằng Trần (Theo CNBC)