baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Nhà tâm lý chỉ ra cụm từ quen thuộc có thể phá hỏng mối quan hệ

Tiến sĩ Mark cho rằng một trong những cụm từ gây tổn hại nhiều nhất lại thường bị xem nhẹ: "Tại sao bạn không thể giống như...?". Theo ông, các cụm từ so sánh đối tác với người khác thường là biểu hiện bề mặt của một sự bất an sâu sắc. Dù đối tượng được đem ra so sánh là người yêu cũ, bạn của người ấy hay thậm chí chính bản thân họ trong quá khứ, thông điệp ngầm gửi đi vẫn giống nhau: "Bạn không đủ tốt".


Mối quan hệ không tan vỡ trong một khoảnh khắc, mà thường đổ vỡ từ những điều nhỏ nhặt tích tụ theo thời gian. Ảnh minh họa

Theo thời gian, người nghe sẽ không còn cảm thấy được yêu thương, mà dần nghi ngờ bản thân và tự hỏi liệu mình có đang sống đúng với kỳ vọng của người kia. Sự so sánh dần làm xói mòn cảm giác an toàn và giá trị trong tình yêu.

Theo tiến sĩ Travers, nhiều người nói ra điều đó không phải vì muốn thay người yêu, mà vì không cảm thấy đủ an toàn để nói thẳng nhu cầu của mình. Một nghiên cứu chỉ ra, khi một người không chắc chắn về mối quan hệ, họ có xu hướng kiềm chế và tích tụ cảm xúc, trong khi nên nói ra trực tiếp. Ví dụ, thay vì nói "Tôi cảm thấy cô đơn vì chúng ta không hẹn hò thường xuyên", họ lại chọn cách nói gián tiếp: "Tại sao anh không giống chồng của Sarah? Anh ấy luôn lên kế hoạch hẹn hò mỗi tuần".

Thay vì lấy người khác làm tiêu chuẩn, tiến sĩ Travers khuyên nên quay về cảm xúc thật của bản thân và dùng ngôn ngữ kết nối, ví dụ: "Em thấy khó khăn khi tranh cãi leo thang quá nhanh. Em mong chúng ta học cách lắng nghe nhau hơn"; "Anh biết đôi khi mình không kiềm chế được cảm xúc. Nhưng với anh, sẽ rất có ý nghĩa nếu mình có thể bình tĩnh nói chuyện".

Những câu nói như vậy bắt nguồn từ nhu cầu thật, không mang tính chỉ trích hay đổ lỗi, giúp giữ được kết nối thay vì đẩy người kia vào thế phòng thủ.

Theo chuyên gia, mối quan hệ là sự đồng hành giữa hai con người với đủ khuyết điểm và khác biệt. Không ai có thể trở thành bản sao hoàn hảo của người khác chỉ để đáp ứng kỳ vọng. Điều giúp tình yêu bền vững không phải là so sánh hay thay đổi đối tác, mà là sự dũng cảm để nói lên nhu cầu một cách chân thành và tin tưởng rằng điều đó sẽ được đón nhận bằng tình yêu thương.

"Một mối quan hệ lành mạnh không được xây dựng bằng việc yêu cầu người kia trở thành ai đó khác, mà là cùng nhau học cách yêu thương đúng như con người họ", tiến sĩ Travers nói.

Phạm Linh theo Ngoisaovnexpress.net