baovecuongthinh.com

HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

Bác sĩ khuyên người cao tuổi những việc nên làm để chống COVID-19


Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Linh, việc đầu tiên là cần tuân thủ hướng dẫn phòng COVID-19

Bộ Y tế hướng dẫn cách giảm nguy cơ lây nhiễm virus là vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay thường xuyên với xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi ra khỏi nhà hay tiếp xúc với nhiều người, tránh sờ tay chưa được rửa sạch lên vùng mặt, mắt, mũi, miệng vì sẽ khiến virus có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

Ra khỏi nhà, cần đeo khẩu trang đúng cách, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang, không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch, phơi nắng cho khô sau mỗi lần sử dụng. Người cao tuổi có hệ miễn dịch yếu nên cần hạn chế đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với nguồn có nguy cơ lây nhiễm. Khi ho hoặc hắt hơi nên che kín mũi, miệng bằng khăn tay, khăn giấy, khẩu trang hoặc khuỷu tay để bảo vệ sức khoẻ người xung quanh.

Do dễ bị mầm bệnh tấn công, bậc cao niên cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, dùng quạt thay cho điều hòa. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa...



Cần tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm COVID-19 hiệu quả. Ảnh minh họa: Internet
Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ cha mẹ cao tuổi.

Việc cần làm thứ hai, theo bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi có nhiều khác biệt so với trẻ em, trẻ vị thành niên, người trưởng thành và là một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Chế độ dinh dưỡng cân đối, lành mạnh với đầy đủ dưỡng chất thiết yếu có thể giúp người cao tuổi ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe phổ biến như táo bón, vấn đề về tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, thừa cholesterol... Các thực phẩm giàu dinh dưỡng cũng giúp người cao tuổi có sức khoẻ tốt, tăng cường khả năng miễn dịch.

Trong mùa dịch bệnh, thực đơn cho người cao tuổi cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất đạm (protein), chất béo, chất bột đường, nhóm rau xanh quả chín.

Trong đó, cần lưu ý nên bổ sung các loại thực phẩm: chất béo lành mạnh, chất béo tốt cho sức khỏe như các loại hạt, quả bơ, cá béo và dầu thực vật..., đặc biệt là dầu ôliu. Cần hạn chế tối đa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; các loại ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên hạt...) rất giàu chất dinh dưỡng giúp hỗ trợ tiêu hóa và tốt cho tim.


Trong mùa dịch bệnh, thực đơn cho người cao tuổi cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất đạm (protein), chất béo, chất bột đường, nhóm rau xanh quả chín. Ảnh minh họa: Internet
Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh, hoa quả giúp ngăn ngừa táo bón, cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ cần thiết cho cơ thể, duy trì cân nặng và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Hoặc protein từ các loại đậu, trứng, thịt gà, cá và thịt nạc cũng như các loại hạt để cung cấp năng lượng cho cơ thể, bác sĩ Lâm cho biết thêm.

Ngoài ra, nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng giúp nâng cao miễn dịch bao gồm: vitamin A, C, E, một số vi chất sắt, kẽm, vitamin D. Các vi chất dinh dưỡng này có trong rau củ, trái cây như: bưởi, cam, chanh, đu đủ... Vitamin D thường ít có trong thực phẩm, mà phải bổ sung dạng chế phẩm hay tiếp xúc ánh nắng mặt trời.

ThS. BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng) khuyên nên đảm bảo ăn 3-4 bữa mỗi ngày, ăn nóng, thức ăn nên luộc, hấp nấu chín mềm. Nếu ăn không đủ nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng, từ 1-2 cốc mỗi ngày, BS Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo BS Tiến, những người đang mắc các bệnh mạn tính: như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh gout,... cần thực hiện nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sỹ điều trị và bác sĩ dinh dưỡng về sử dụng thuốc điều trị thường xuyên và thực hiện chế độ dinh dưỡng bệnh lý.

Ngoài ra, người cao tuổi nên chú ý đến giấc ngủ. Mỗi đêm, người cao tuổi cần ngủ 7-8 tiếng. Người cao tuổi thường dậy sớm nên thời điểm đi ngủ tốt nhất là khoảng 21 - 22h, giấc ngủ muộn sẽ không đủ thời gian cho cơ thể hồi phục. Phòng ngủ nên yên tĩnh, tắt đèn hoặc ánh sáng nhẹ. Nhiệt độ phòng khoảng 26 - 27 độ C và thoáng khí. Người cao tuổi nên thư giãn nhẹ nhàng, tránh nghĩ đến chuyện phiền muộn để giấc ngủ ngon hơn. Trước khi ngủ 1-2 tiếng không nên ăn no, có thể uống một ly sữa ấm giúp giấc ngủ sâu hơn.

Vận động thường xuyên cũng là cách rất tốt để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật. Ảnh minh họa: Internet

Vận động thường xuyên cũng là cách rất tốt để tăng sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật.

Người lớn tuổi thường hay bị mệt mỏi khiến ngại vận động. Đây là dấu hiệu bình thường khi cơ thể đã bước vào giai đoạn lão hoá. Để năng vận động, đôi khi cần có sự hỗ trợ, động viên từ người bạn đời, bạn bè hoặc từ con cháu. Hai hay nhiều người cùng tập luyện sẽ có thêm động lực và niềm vui. Ngoài tập dưỡng sinh, đi bộ, bậc cao niên có thể tập các môn có cường độ thể lực trung bình thấp như đạp xe, chạy bộ, đánh cầu lông, bơi lội... một cách nhẹ nhàng. Quan trọng là phải lượng sức mình mà luyện tập và không thể sánh với thanh niên được.

Mỗi ngày, người cao tuổi nên vận động cơ thể nhẹ nhàng 30 - 45 phút sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, xương khớp chắc khoẻ, dẻo dai, góp phần cải thiện hệ thống miễn dịch cho cơ thể.

HÒA THUẬN (TỔNG HỢP) 

tienphong.vn