baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Bệnh nhân khỏi Covid-19 ở Trung Quốc sống dưới 'bóng đen' kỳ thị

Khi Zuo có kết quả dương tính Covid-19 lúc đang làm nhân viên dọn vệ sinh tại một trong những trung tâm cách ly lớn nhất của Thượng Hải, cô đã hy vọng sẽ không lâu nữa mình lại có thể nhặt cây lau nhà lên và bắt đầu làm việc kiếm tiền.

Nhưng bốn tháng trôi qua, Zuo vẫn vật lộn để được đi làm lại - một trong những điều mà bệnh nhân khỏi Covid-19 đang phải đối mặt. Các nhà hoạt động vì quyền lao động và các chuyên gia y tế nói đây là hình thức phân biệt đối xử phổ biến ở Trung Quốc - nơi theo đuổi mục tiêu "không Covid".

Bằng cách áp dụng phong tỏa nhanh và xét nghiệm hàng loạt, Trung Quốc là nền kinh tế lớn cuối cùng vẫn theo đuổi mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn virus. Những người có kết quả dương tính và người tiếp xúc họ đều được đưa tới các cơ sở kiểm dịch trung tâm.

Các nhóm nhân quyền cho rằng những quy định này đang gây ra sự phân biệt đối xử liên quan đến Covid và loại bỏ hàng nghìn người khỏi thị trường việc làm vốn đã ảm đạm của Trung Quốc - với lao động nhập cư và thanh niên bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

"Mọi người lo sợ sẽ bị lây virus nên họ xa lánh chúng tôi", Zuo nói. "Các nhà tuyển dụng thì kiểm tra lịch sử xét nghiệm Covid của chúng tôi trong vài tháng trước đó trong lúc phỏng vấn".


Nhân viên y tế tiến hành lấy dịch họng cho một người phụ nữ để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: AFP

Theo Jin Dongyan, thuộc trường Đại học Hong Kong, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể đã gây ra sự kỳ thị đối với không chỉ những bệnh nhân mới khỏi bệnh, mà cả gia đình, hàng xóm, bạn bè và thậm chí cả các nhân viên y tế tuyến đầu.

"Thật không khoa học khi nghĩ rằng những người đã bị nhiễm một lần sẽ tiếp tục mang virus trong người và lây cho người khác sau khi hồi phục. Do thiếu nhận thức, một số người còn lo những người đã bị nhiễm bệnh sẽ dễ tái nhiễm hơn, nhưng thực tế thì ngược lại", Jin nói.

Zuo hiện đấu tranh chống lại nhà tuyển dụng của mình - công ty dịch vụ Shanghai Yuanmao BPO, sau khi họ từ chối trả lương cho Zuo vì cô bị Covid-19. Công ty này còn dẫn lịch sử bệnh tật của cô làm lý do để ngăn cô quay lại với công việc.

He Yuxiu là một người Trung Quốc có sức ảnh hưởng và đang sống ở Ukraine khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự lên quốc gia này. Cô bỏ trốn khỏi cuộc chiến tranh và trở về quê hương, sau đó tìm được công việc là giáo viên dạy tiếng Nga ở tỉnh Hà Bắc, cho rằng đã bỏ lại những rắc rối ở phía sau. Nhưng khi nhà trường biết He từng mắc Covid-19 khi ở Ukraine, họ sa thải cô.

"Tôi chưa từng tưởng tượng mình sẽ mất công việc đầu tiên vì lý do này", He nói trong đoạn video mà cô chia sẻ lên Weibo. "Sao chúng tôi lại bị đối xử như thể vẫn mang virus khi chúng tôi đã chiến thắng nó?".

Theo SCMP, sự kỳ thị này hiện lan rộng, khi các quảng cáo tìm công nhân cho một nhà máy ở Thượng Hải tháng trước ghi rõ ứng viên từng mắc Covid-19 sẽ bị từ chối.

Tháng trước, câu chuyện một cô gái trẻ phải sống nhiều tuần trong nhà vệ sinh ga Hongqiao ở Thượng Hải do không thể tìm được việc làm hay quay về làng chỉ vì sự kỳ thị dành cho những người từng mắc Covid-19 gây sốt trên mạng xã hội.

Một nhà hát ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, cũng buộc phải xin lỗi sau khi đưa ra thông báo cấm những người khỏi Covid làm dấy lên sự phản đối dữ dội từ công chúng.

Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh và Bộ Lao động Trung Quốc tháng trước cấm nhân viên có thái độ phân biệt đối xử với các bệnh nhân khỏi Covid-19, trong khi Thủ tướng Lí Khắc Cường kêu gọi xử phạt nặng những người vi phạm quy tắc này.

Tuy nhiên, những người tìm việc và các nhà hoạt động hiện cảm thấy hoài nghi.

Các nhà máy ở Thượng Hải vẫn tiếp tục không thuê công nhân đã khỏi Covid, kể cả sau khi thành phố công bố các quy định chống phân biệt đối xử do lo ngại dịch bệnh bùng phát hàng loạt hoặc phải theo dõi tình hình sức khỏe nhân viên.

"Một số nhà máy đưa ra những lý do khác nhau dù đang thiếu công nhân. Nhưng tất cả những người bị từ chối đều từng mắc Covid", Wang Tao, một nhân viên tuyển dụng, nói.

AFP đã liên lạc với 8 nhà sản xuất được truyền thông Trung Quốc nêu tên là có hành vi phân biệt đối xử - bao gồm cả nhà sản xuất iPhone Foxconn - nhưng họ từ chối bình luận.

"Rất khó để các công nhân có thể bảo vệ quyền lợi của mình, do phần lớn nhà tuyển dụng đưa ra các nghiên cứu khác nhau và rất khó để có thể chứng minh họ đã vi phạm luật lao động trong những trường hợp này. Việc các công đoàn phải đẩy mạnh đấu tranh là rất cần thiết. Nhưng nhiều nhà máy vừa và nhỏ thì không có bộ phận này", Aidan Chau, nhà nghiên cứu cho nhóm nhân quyền China Labour Bulletin, nói.

"Rất khó để những bệnh nhân đã khỏi Covid có thể quay trở lại cuộc sống bình thường", Zuo, công nhân quét dọn ở Thượng Hải, nói. "Dù chúng tôi có đi đâu, lịch sử mắc virus vẫn sẽ theo chúng tôi như cái bóng đen".

Hướng Dương (Theo SCMP)