baovecuongthinh.com

TIN TỨC

KHI NÀO HÀNG QUÁN TẠI TP.HCM ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG BÌNH THƯỜNG?

Tối 18/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn đầu đoàn kiểm tra tới thị sát hoạt động một số nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn. Buổi làm việc diễn ra sau khi Zing và một số tờ báo phản ánh có một số quán nhậu, nhà hàng tại TP.HCM vẫn đón lượng khách đông đúc, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch của UBND TP.

"Qua những hình ảnh phản ánh của báo chí và ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy còn có tình trạng mất cảnh giác, chưa tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại một số quán. Tuy nhiên, thành phố cũng đi thực tế để lắng nghe khó khăn, mong muốn của bà con trong tình hình hiện tại", Phó chủ tịch UBND TP.HCM trao đổi với Zing.

Không thể chỉ ngồi bàn giấy mà ra quyết sách
- Việc lãnh đạo thành phố đi thị sát thực tế các địa điểm tại cơ sở có phải do lãnh đạo quận, huyện, phường, xã chưa làm nghiêm quy định, yêu cầu của UBND TP không thưa ông?

- Chuyến đi thị sát này được tổ chức bởi 2 lý do chính. Lý do quan trọng nhất là lãnh đạo thành phố khi ký các văn bản chỉ đạo cần xem xét thêm có phù hợp với tình hình thực tế hay không. Lý do thứ hai là cần xem các bộ phận cấp dưới là quận, huyện, địa phương, cơ sở có thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố hay chưa.


Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiểm tra hoạt động tại nhà hàng trên địa bàn. Ảnh: Duy Hiệu.

Nếu chỉ ngồi bàn giấy và ra những quyết sách, đôi khi chúng ta phải đón nhận những phản ứng ngược.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Một lý do khác là những ngày qua, một số cơ quan báo chí đã có bài, hình ảnh phản ánh về việc chưa tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống Covid-19 tại một số nơi. Chúng tôi đã cố gắng đi thị phạm từng nơi báo chí phản ánh.

Tóm lại, lãnh đạo TP luôn cố gắng bám sát thực tế của cơ sở, trăm nghe không bằng một thấy. Nếu chỉ ngồi bàn giấy và ra những quyết sách, đôi khi chúng ta phải đón nhận những phản ứng ngược.

- Qua chuyến đi thực tế, ông đánh giá thế nào về việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của các quán nhậu, nhà hàng trên địa bàn?

- Chúng tôi đánh giá về cơ bản, chủ các đơn vị kinh doanh đã có sự điều chỉnh so với thường lệ, ý thức chấp hành của người dân đối với yêu cầu của thành phố tương đối tốt. Tuy nhiên, còn một số nơi khá chủ quan, chưa tuân thủ quy định phòng dịch.

Đối với những trường hợp như vậy, biện pháp đầu tiên là chúng tôi nhắc nhở, kêu gọi chủ đơn vị hợp tác với chính quyền địa phương và thành phố trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Các chế tài, biện pháp mạnh tay sẽ được áp dụng khi chủ cơ sở cố tình không tuân thủ, không hợp tác và tái phạm nhiều lần.


Nhiều nhà hàng đã tuân thủ yêu cầu của UBND TP.HCM tại thời điểm kiểm tra. Ảnh: Duy Hiệu.
Tôi xin nhắc lại quan điểm của thành phố là xem xét mọi việc một cách toàn diện nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu.

Trong quá trình đi thực tế, đoàn kiểm tra cũng lắng nghe chia sẻ của người dân. Những chính sách, quy định chưa hợp lý, thành phố sẽ nghiên cứu và điều chỉnh, còn những điều hợp lý nhưng họ kiên quyết không tuân thủ sẽ có chế tài.

An toàn tới đâu, mở cửa tới đó
- Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định hiện tại, thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19. Vậy thời điểm nào các hàng quán, cơ sở dịch vụ trên địa bàn có thể hoạt động lại bình thường?

- Việc mở cửa trở lại các hoạt động như thường lệ phụ thuộc vào tình hình thực tế. TP.HCM thường xuyên tham vấn các chuyên gia y tế, dịch tễ về vấn đề này.

Đối với thời điểm hiện tại, người dân thành phố quay lại sau những chuyến du lịch, người lao động từ các tỉnh, thành trở lại làm việc, thành phố cần cảnh giác cao độ với dịch Covid-19.


Việc mở cửa lại hoạt động của nhà hàng trên địa bàn phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.
UBND TP.HCM có tinh thần làm việc không cứng nhắc và cũng đặt kế hoạch thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế. Thành phố cũng có quan điểm an toàn tới đâu, mở cửa tới đó.

Trong thời gian sớm nhất, ban lãnh đạo thành phố sẽ làm việc với HCDC và ghi nhận thực tế để xem xét những hoạt động cần điều chỉnh cho phù hợp tình hình.

- Hiện tại, UBND TP.HCM và ban lãnh đạo thành phố đã có sự chuẩn bị ra sao để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời điểm học sinh, sinh viên, học viên sắp quay lại trường học?

- Hiện tại, lãnh đạo TP.HCM đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị và thực thi 2 nhiệm vụ để chuẩn bị cho năm học mới.

Nhiệm vụ đầu tiên là thực hiện điều tra dịch tễ toàn bộ giáo viên, giảng viên và học viên để cân nhắc phương án quay trở lại trường. Nhiệm vụ tiếp theo là làm rõ số lượng học sinh, sinh viên, học viên cùng thời điểm các em sẽ quay lại thành phố.

Quan điểm của thành phố an toàn tới đâu, mở cửa tới đó.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Từ những số liệu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đánh giá, tham mưu cho UBND TP.HCM thời điểm sớm nhất có thể cho các em tới trường. Chúng tôi kỳ vọng với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, toàn bộ học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn có thể tiếp tục việc học tập tại trường vào đầu tháng 3 như kế hoạch.

- Việc Bộ Y tế rút Tổ công tác đặc biệt do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì khỏi TP.HCM để chi viện cho Hải Dương có khiến công tác phòng, chống Covid-19 của thành phố thay đổi hay gặp trở ngại gì không?

- Việc Bộ Y tế rút Tổ công tác đặc biệt tại TP.HCM ra chi viện Hải Dương hoàn toàn không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và việc phối hợp giữa ngành y TP.HCM với các cơ quan trực thuộc Trung ương.

Thực tế từ trước tới nay, ngành y TP không có khoảng cách giữa các đơn vị thuộc Trung ương và địa phương. Các bên vẫn hỗ trợ lẫn nhau từ trước tới nay, những chuyên gia thuộc các đơn vị Trung ương vẫn hỗ trợ thành phố rất nhiều và khi cần, lực lượng y tế của thành phố sẽ hỗ trợ lại.

Việc Bộ Y tế đặt Tổ công tác đặc biệt tại TP.HCM đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới địa bàn. Bên cạnh việc hỗ trợ nhân lực, vật lực, bộ đã có sự hỗ trợ lớn lao về mặt tinh thần để ngành y thành phố đứng vững trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này.

Cũng phải nói thêm trong suốt quãng thời gian Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hoạt động tên địa bàn, ngành y nói chung đã có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng đều. Chẳng hạn như trong công tác phân chia mẫu xét nghiệm, Viện Pasteur và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có những phân tích, tính toán để trong thời điểm ngắn nhất có thể làm xử lý nhiều mẫu thử nhất với kết quả chính xác nhất.

Với sự giúp sức của Bộ Y tế suốt thời gian qua, chúng ta có thể khẳng định rằng tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM đã cơ bản được kiểm soát và có chiều hướng diễn biến tốt. 

Zingnews.vn