baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Triều Tiên bỏ Olympic Tokyo không đơn giản chỉ vì Covid-19

Triều Tiên có lẽ thực sự nhạy cảm với Covid-19, bởi đại dịch, nếu xảy ra ở một đất nước nơi hệ thống y tế chậm phát triển, sẽ trở thành thảm họa.

Nhưng nhìn vào quá khứ, Triều Tiên không ít lần từng sử dụng những sự kiện thể thao lớn như một quân bài phục vụ mục tiêu giảm nhẹ các biện pháp cấm vận quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân. Vì thế, động thái rút khỏi Olympic Tokyo của Triều Tiên ẩn chứa một thông điệp chính trị, AP nhận định.

Nỗi sợ có thật
Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 6/4 thông báo quyết định của Ủy ban Olympic nước này rằng họ sẽ không cử đoàn tham dự Olympic Tokyo "nhằm bảo vệ các vận động viên khỏi cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu gây ra bởi Covid-19".

Bình Nhưỡng từng nhiều lần tẩy chay các sự kiện thể thao quốc tế, trong đó có cả Olympic, vì yếu tố chính trị hoặc không có vận động viên đủ điều kiện vượt qua vòng loại.

Nhưng theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên Triều Tiên chủ động rút khỏi một sự kiện thể thao lớn với lý do dịch bệnh truyền nhiễm.

Bình Nhưỡng không ít lần tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán với Seoul và Washington, trước khi bất ngờ quay trở lại vào phút chót để giành thêm lợi thế mặc cả.

Dù vậy, trong bối cảnh nước này đang ở tình trạng báo động cao vì Covid-19, các chuyên gia hoài nghi khả năng Triều Tiên sẽ đảo ngược quyết định lần này.


Bà Kim Yo Jong và các quan chức Triều Tiên có mặt tại Olympic mùa đông Pyeongchang năm 2018. Ảnh: Getty.
"Triều Tiên đã cho thấy sự hoang mang cao độ sau khi nước này ban bố tình trạng khẩn cấp chống virus từ tháng 1/2020", Park Won Gon, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên từ Đại học Ewha Womans, Seoul, nhận định.

Ông Park cho rằng ít khả năng Triều Tiên có thể sản xuất hay thu mua đủ vaccine cho 26 triệu dân nước này vào tháng 7 tới đây, thời điểm Olympic Tokyo khởi tranh.

Các quan chức Triều Tiên thừa hiểu kịch bản thảm họa sẽ ập đến nếu đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này. Hệ thống cơ sở hạ tầng y tế công cộng của Triều Tiên đã lạc hậu hàng chục năm.

Triều Tiên là một trong những nước áp dụng các biện pháp chống virus corona khắc nghiệt nhất, như đóng cửa hoàn toàn biên giới hay cấm người nước ngoài nhập cảnh trong 15 tháng qua.

Trong tuyên bố chính thức, Triều Tiên khẳng định virus corona chưa xâm nhập nước này, dù nhiều chuyên gia quốc tế hoài nghi tuyên bố của Bình Nhưỡng.

Quyết định rút khỏi Olympic Tokyo cho thấy quan ngại của giới lãnh đạo Triều Tiên trước viễn cảnh hàng trăm vận động viên tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ mang mầm bệnh về nước.

"Họ coi tiếp xúc với người nước ngoài là điều nguy hiểm nhất vào lúc này", Seo Yu Seok, chuyên gia từ Viên Nghiên cứu Triều Tiên có trụ sở tại Seoul, nói.

Thông điệp tới Washington và Seoul
Ởmặt khác, những nhà quan sát Triều Tiên từ lâu cũng học được bài học rằng mọi bước đi của Bình Nhưỡng đều ẩn chứa tầng tầng lớp lớp toan tính.

Tuyên bố rút lui đưa ra 3 tháng trước khi Olympic khởi tranh có thể là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục khước từ lời mời của Seoul sử dụng Olympic để tạo đà thuận lợi cho đối thoại.

Động thái này cũng thể hiện quyết tâm của Bình Nhưỡng tăng cường sức ép lên chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Theo ông Kwak Gil Sup, Giám đốc Trung tâm One Korea chuyên về các vấn đề Triều Tiên, Bình Nhưỡng đang gửi đi thông điệp rằng họ muốn thỏa thuận trực tiếp với Washington ngay lúc này, thay vì hai bên chờ tới Olympic mới tiếp xúc và thúc đẩy đàm phán.

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên khởi động từ năm 2018 nay đang đi vào bế tắc. Tiền đề cho tiến trình ngắn ngủi này chính là sự tham gia của Triều Tiên tại Olympic mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc, mở ra những bước đi hòa giải giữa hai miền.

Tại Olympic Pyeongchang, các vận động viên hai miền trên bán đảo Triều Tiên cùng diễu hành dưới lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc, đồng thời lần đầu tiên thành lập đội tuyển chung chơi trong bộ môn hockey trên băng.

Bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, trở thành thành viên đầu tiên của gia đình họ Kim nắm quyền tới thăm Hàn Quốc từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953.


Bà Kim Yo Jong trò chuyện cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại Olympic năm 2018. Ảnh: Reuters.
Hai năm đã qua, chưa có nhiều biến chuyển trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Triều Tiên mới đây phóng hai tên lửa đạn đạo xuống biển, vụ thử vũ khí đầu tiên trong vòng một năm.

Bà Kim Yo Jong thậm chí cảnh báo chính quyền Tổng thống Biden "chớ gây sự", đồng thời gọi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In là "con vẹt được Mỹ dựng lên", dù chưa đầy 24 tháng trước, ông Moon còn tay trong tay thân thiết với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Các chuyên gia cho rằng đến cuối cùng, Triều Tiên vẫn muốn đối thoại với chính quyền Biden nhằm giảm nhẹ cấm vận và xây dựng quan hệ tích cực hơn, bởi nền kinh tế nước này đã đã bị tàn phá nặng nề vì cấm vận quốc tế, trước khi các thảm họa tự nhiên cùng đại dịch Covid-19 ập đến.

Chuyên gia Seo Yu Seok nói Triều Tiên không chắc chắn về lợi ích khi tham gia Olympic Tokyo, bởi Tổng thống Biden đã nói rõ ông không có ý định tham dự những cuộc hội đàm "chỉ có giá trị đánh bóng" như người tiền nhiệm Donald Trump từng thực hiện với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

"Triều Tiên biết họ sẽ về nước tay trắng", chuyên gia Seo nhận định.

Dẫu vậy, những khó khăn trong nước có lẽ sẽ thúc đẩy Bình Nhưỡng sớm trở lại đàm phán với Washington.

Seo cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành các vụ thử vũ khí lớn trong những tháng tới, ví dụ như tên lửa đạn đạo liên lục địa, nếu cảm thấy không thỏa mãn với chính sách mới của Washington về chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. 

Zingnews.vn