baovecuongthinh.com

TIN TỨC

Nữ tướng lèo lái kinh tế Nga thời chiến

Năm 2014, ruble Nga lao dốc và lạm phát tăng vọt khi Elvira Nabiullina (58 tuổi) chỉ mới tại nhiệm gần một năm. Bà đã quyết định mạnh tay nâng lãi suất. Động thái đầy rủi ro này đã giảm tốc nền kinh tế, kìm hãm giá cả và giúp bà được cộng đồng quốc tế coi là một nhà hoạch định chính sách cứng rắn.

Trong giới thống đốc – những người chịu trách nhiệm giữ giá cả và hệ thống tài chính ổn định, bà Nabiullina ngày càng nổi tiếng vì sử dụng những chính sách truyền thống để điều hành nền kinh tế thường xuyên chịu tác động từ giá dầu. Năm 2015, bà được tạo chí Euromoney bình chọn là Thống đốc của năm. 3 năm sau, bà Christine Lagarde – khi đó là Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận xét Nabiullina là người "có thể khiến các ngân hàng trung ương được chú ý".

Hiện tại, bà một lần nữa gánh trách nhiệm đưa kinh tế Nga vượt qua thời kỳ khó khăn và duy trì ổn định cho hệ thống tài chính trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhiều năm qua, bà đã giúp Nga xây pháo đài kinh tế để chống chịu tác động từ bên ngoài.


Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Ảnh: Reuters

Nabiullina đã giúp ruble Nga phục hồi ấn tượng sau khi mất tới 25% giá trị chỉ trong vài ngày cuối tháng 2. Ngân hàng trung ương Nga đã thực thi các chính sách mạnh tay để ngăn dòng vốn chảy khỏi đất nước, chặn lại sự hoảng loạn trên các thị trường và giúp các ngân hàng không bị rút vốn ồ ạt.

Cuối tháng 4, Quốc hội Nga phê chuẩn bà Nabiullina cho nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cử bà làm tiếp nhiệm kỳ 3. "Bà ấy là biểu tượng của sự ổn định với hệ thống tài chính Nga", Elina Ribakova – nhà kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nhận định.

Chính sách cứng rắn

Trong cuộc khủng hoảng năm 2014, bà đã biến thách thức thành cơ hội. Khi đó, kinh tế Nga lung lay vì 2 cú sốc đồng thời: giá dầu lao dốc (do Mỹ tăng sản xuất và Saudi Arabia từ chối giảm sản lượng) khiến nguồn thu từ dầu của Nga sụt giảm, và các lệnh trừng phạt kinh tế áp lên Nga sau khi sáp nhập Crimea.

Khi ruble lao dốc, Nabiullina từ bỏ các chính sách truyền thống - như chi lượng lớn ngoại tệ dự trữ để hỗ trợ tỷ giá - để tập trung ghìm lạm phát. Bà nâng lãi suất lên 17% và duy trì ở mức cao trong nhiều năm.

Đây là sự điều chỉnh đầy đau đớn. GDP Nga giảm suốt 1,5 năm sau đó. Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, bà đã làm được điều tưởng chừng rất xa vời - lạm phát về dưới 4% - thấp nhất thời hậu Xô Viết.

"Bà ấy là hình mẫu của thống đốc hiện đại", Richard Portes – Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London nhận xét. Ông từng tham gia nhiều hội thảo với bà Nabiullina.

"Bà ấy làm điều mình phải làm", ông nói, kể cả khi môi trường chính trị đầy khó khăn, "Để so sánh, hãy nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ". Việc can thiệp chính trị vào hoạt động của ngân hàng trung ương suốt nhiều năm đã khiến lạm phát ở đây vượt tầm kiểm soát và chạm 70% tháng này.

Dưới sự dẫn dắt của bà Nabiullina, Ngân hàng Trung ương Nga liên tục hiện đại hóa các chính sách. Họ cải thiện việc truyền thông bằng cách lên lịch những quyết định quan trọng, đưa ra dự báo chính sách, gặp các nhà phân tích và trả lời phỏng vấn báo chí. Ngân hàng Trung ương Nga được coi là bộ não kinh tế chủ chốt của nước này, thu hút các nhà kinh tế học từ lĩnh vực tư nhân.

Trong hội thảo thường niên ở St. Petersburg, cơ quan này thu hút các nhà kinh tế học từ khắp nơi trên thế giới. Bà Nabiullina cũng tham gia nhiều sự kiện quốc tế, như hội nghị chuyên đề hàng năm của Fed ở Wyoming và các cuộc họp thường niên cho thống đốc do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế tổ chức tại Thụy Sĩ.

Bà được mô tả là người duyên dáng, có khả năng tập trung, luôn chuẩn bị chu đáo và hâm mô lịch sử, opera. Bà sinh ra tại Ufa – thành phố cách Moskva hơn 1.100 km về phía Đông, nổi tiếng với ngành công nghiệp nặng. Nabiullina học Đại học Moskva – một trong những ngôi trường danh tiếng nhất nước, và kết hôn với một nhà kinh tế học.

Với kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ, bà Nabiullina được khen ngợi vì tích cực dọn dẹp ngành ngân hàng. Trong 5 năm đầu nhiệm kỳ, bà thu hồi khoảng 400 giấy phép, đóng cửa gần một phần ba nhà băng Nga. Việc này nhằm loại bỏ các tổ chức yếu kém thực hiện các giao dịch mà bà cho là "không minh bạch".

"Chống tham nhũng trong ngành ngân hàng là việc dành cho người rất dũng cảm", Sergei Guriev – một nhà kinh tế người Nga, hiện làm việc tại Paris cho biết.

Xây dựng pháo đài

Bà Nabiullina là quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Putin 2 thập kỷ qua. Bà là cố vấn kinh tế cho Tổng thống trong hơn một năm, sau đó mới chuyển sang làm thống đốc năm 2013. Bà từng làm Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế khi ông Putin là Thủ tướng.

"Bà ấy được chính phủ và Tổng thống rất tin tưởng", Sofya Donets – nhà kinh tế học tại Renaissance Capital ở Moskva – cho biết. Bà làm việc tại Ngân hàng Trung ương Nga từ năm 2007 đến 2019. Vài năm gần đây, mọi loại quyết định trong lĩnh vực tài chính đều được chuyển sang ngân hàng trung ương.

Sự tin tưởng này được gây dựng khi bà giúp Nga xây dựng pháo đài kinh tế để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây. Năm 2014, Mỹ đã chặn nhiều công ty lớn của Nga tiếp cận thị trường vốn nước này. Tuy nhiên, các công ty trên lại có khối nợ ngoại tệ lớn, làm dấy lên cảnh báo về khả năng trả nợ.

Vài tuần qua, ông Putin dành thời gian đáng kể để trấn an dư luận rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính phương Tây hơn là Nga. 102

Nabiullina đã siết việc sử dụng USD trong nền kinh tế, giúp các công ty và ngân hàng ít chịu tổn thương nếu Washington hạn chế hơn nữa việc nước này tiếp cận đồng đôla. Bà cũng tăng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương bằng vàng, euro và nhân dân tệ. Tỷ trọng USD trong dự trữ đã giảm về 11%, từ hơn 40% trước đây. Tháng trước, bà cho biết kể cả khi các lệnh trừng phạt đóng băng dự trữ tại nước ngoài của họ, Nga vẫn có đủ dự trữ bằng vàng và nhân dân tệ.

Họ cũng lập hệ thống thay thế SWIFT và đã phát triển được vài năm nay. Ngân hàng trung ương cũng thay hạ tầng thanh toán khi xử lý các giao dịch thẻ tại nước này. Vì vậy, việc Visa và Mastercard rút khỏi Nga cũng không gây ra nhiều ảnh hưởng.

Nền kinh tế thời chiến

Các lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây đã buộc bà từ bỏ những chính sách ưa thích. Thay vào đó, Nabiullina nâng gấp đôi lãi suất, lên 20%, áp đặt kiểm soát vốn để hạn chế dòng tiền chảy khỏi Nga, đóng cửa thị trường chứng khoán và nới lỏng quy định với các ngân hàng.

Những biện pháp này đã chặn lại sự hoảng loạn ban đầu và giúp đồng ruble hồi phục. Tuy nhiên, việc kiểm soát vốn chỉ mới được dỡ bỏ một phần.

Ngày 29/4, Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất xuống 14%. Đây là tín hiệu cho thấy họ bắt đầu thay đổi chính sách để hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt lên hộ gia đình và doanh nghiệp. Lạm phát tại Nga được dự báo lên 23% năm nay. Còn GDP có thể giảm 10%.

"Chúng ta đang ở trong vùng biến động cực lớn", bà Nabiullina cho biết.

Hà Thu (theo New York Times)